Bạn đang ở đây

xăng dầu

Tiếng Việt

Yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp Tết Nguyên đán 2023

Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Yêu cầu cấp đủ xăng, dầu cho cửa hàng bán lẻ dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh minh họa)

Yêu cầu cấp đủ xăng, dầu cho cửa hàng bán lẻ dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn về việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.  

Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép thu hồi giấy phép, giấy xác nhận đủ điều kiện thuộc các trường hợp theo quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Lãnh đạo quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các hành vi vi phạm.

Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chủ trì hội nghị công tác bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh.

Theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản ổn định, không còn tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi mua xăng. Theo ông Khanh, hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn đều hoạt động đạt và vượt công suất, đảm bảo đáp ứng các hợp đồng kinh tế đã ký với thương nhân đầu mối xăng dầu.

Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nay, các hội viên đã đáp ứng được nhu cầu phân giao của Bộ Công Thương. Nhìn chung, nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Nguồn: Theo VTC

Từ khóa: 

Bộ Công Thương: Cụ thể hoá chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01

Ngay sau khi có Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về việc triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ - Ảnh: VGP/PT

Chương trình hành động của ngành công thương đã cụ thể hoá thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Đỗ Thu Hương cho biết: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 có một số điểm mới.

Theo đó thay vì tốc độ phát triển xuất khẩu nhanh, quan điểm Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời đã chỉ rõ các yếu tố để đạt thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; về bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu. Chiến lược xác định các động lực mới cho phát triển xuất nhập khẩu là: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo.

Cùng đó Chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hoá, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hoá. Đặc biệt Chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, gần đây Trung Quốc đã mở cửa biên giới, thời gian tới Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương triển khai đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch, để quy hoạch lại các vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường, đặc biệt thị trường đông dân Trung Quốc.

Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp vật liệu

Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đã đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Theo đó, triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc một số dự án.

Cục Công nghiệp cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất.

Cùng đó tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19; phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các nhóm hàng hóa số 2; triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch.

Khắc phục triệt để nội dung không phù hợp trong kinh doanh xăng dầu

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nêu rõ: Vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, phát triển quản lý chợ về dầu khí, nghị định về hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và tích hợp một số kiến nghị của các bộ, ngành vào trong Luật Đầu tư.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, đẩy nhanh việc thực hiện hàng loạt các chương trình phát triển thị trường trong nước. Đẩy mạnh thực hiện đề án đổi mới hàng hóa nông sản. 

Bảo đảm hàng hoá, nguồn cung xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát tốc độ CPI. Phát triển hạ tầng thương mại đặc biệt là thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần phải khắc phục một cách triệt để những nội dung không phù hợp với hoạt động kinh doanh xăng dầu. 

Cần làm rõ hơn trách nhiệm các bên, các tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện các tổ chức trong hệ thống kinh doanh xăng dầu từ đầu mối đến việc phân phối, tổng đại lý, đại lý phải rõ ràng. Xây dựng được cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh "đầu voi đuôi chuột".

Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn giản các thành tố trong hệ thống kinh doanh xăng dầu 5 cấp thành 2-3 cấp. Cơ chế rà soát cập nhật định mức cần thể hiện rõ, cập nhật các chi phí đầu vào để tránh lỗ, sát hơn với đầu vào, thời hạn điều hành tránh dày quá.

Gian lận thương mại trong môi trường điện tử

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết: Liên quan đến quản lý thị trường, đáng quan tâm có 3 chỉ tiêu đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nội địa và tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử với mức cao. 

Theo ông Linh, trong bối cảnh gian lận thương mại trong môi trường thương mại điện tử còn cao có trách nhiệm đấu tranh rất lớn của lực lượng quản lý thị trường. Bối cảnh mới theo ông Trần Hữu Linh đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cần phản ứng nhanh hơn, giảm kiểm tra định kỳ, tăng kiểm tra đột xuất.

Chỉ đạo nhiệm vụ với lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý cần tiếp tục siết kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi chức trách nhiệm vụ.

Thời gian trước, trong và sau Tết vấn đề liên quan đến lực lượng quản lý thị trường là rất quan trọng, liên quan cả hình thức thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu. Lực lượng cần mở chiến dịch cao điểm kiểm tra kinh doanh xăng dầu từ sản xuất đến phân phối. Bộ trưởng sẽ có Công điện về vấn đề này.

Các vấn đề cần tập trung thực hiện Nghị quyết 01

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các đồng chí thứ trưởng, lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ, người đứng đầu ngành Công Thương các địa phương căn cứ vào trách nhiệm của mình khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của ngành công thương; đặc biệt đề cao trách nhiệm.

"Thứ trưởng phục trách lĩnh vực phân công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Kết quả thực hiện thể hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đồng chí, tổ chức, đơn vị là căn cứ để xét loại thi đua", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu thực hiện chủ trương của Đảng, đối chiếu với thực tiễn cuộc sống để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hoặc hoàn thiện cơ chế chính sách mới, tạo ra những đột phá cho từng lĩnh vực, từng ngành.

"Đồng thời, cần sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hơn nữa. Khai thác, phát huy vai trò năng lực của các cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát… nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp", Bộ trưởng yêu cầu.

Nguồn: Báo Chính phủ