Bạn đang ở đây

Yên Bái nhân rộng mô hình thôn thông minh, xã thông minh

22/02/2024 14:38:04

Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Việc xây dựng những mô hình thôn, xã thông minh đang trở thành xu thế tất yếu, được xác định là việc làm quan trọng của công tác chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Trấn Yên nói riêng.

Người dân thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán.

Người dân thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán.

Năm 2023, huyện Trấn Yên đã chọn 4 thôn: Phố Hóp, xã Báo Đáp; Lan Đình, xã Việt Thành; Yên Định, xã Hưng Thịnh và thôn 3, xã Đào Thịnh để xây dựng mô hình thôn thông minh. Sau một thời gian thực hiện, người dân đã được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ mô hình này. Tại nhà văn hóa thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp, hệ thống wifi miễn phí với tốc độ đường truyền tối thiểu 87Mbps được lắp đặt để người dân dễ dàng truy cập mạng Internet cũng như cài đặt, sử dụng các nền tảng số. 

Ông Trần Văn Minh ở thôn Phố Hóp cho bết: "Sau khi thôn lắp đặt wifi và được sử dụng miễn phí rất thuận lợi cho việc họp thôn nhất là trong các cuộc sinh hoạt đảng hàng tháng thông qua ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử”. Người dân cũng phấn khởi khi được cài và sử dụng ứng dụng Yên Bái-S. Giờ đây, mọi thông tin trong tỉnh, trong huyện thông qua mạng Internet người nông dân như chúng tôi đều nắm được. Bà con rất hài lòng và hạnh phúc khi được sống trong thời đại số, hiện đại và rất tiện ích”. 

Để hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Báo Đáp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh. Theo đó, hết năm 2023, UBND xã đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến hồ sơ mức độ 3, mức độ 4, đạt tỷ lệ 96,52%”. Anh Nguyễn Ngọc Linh ở thôn Phố Hóp chia sẻ: "Thời gian gần đây, tôi phải giải quyết một số thủ tục hành chính như: đăng ký khai sinh và giải quyết thủ tục về đất đai, tôi có sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong quá trình sử dụng tôi thấy rất thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả, thể hiện được sự minh bạch, rõ ràng”. 

Đến nay, mô hình "Thôn thông minh” thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp đã hoàn thành 4 tiêu chí: có mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng; 100% các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thôn, bản được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số; có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; 100% hộ gia đình trên địa bàn thôn, bản được tiếp cận và sử dụng các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến.

Với xã Đào Thịnh, xây dựng thôn thông minh, xã thông minh, chính quyền đã vận động người dân, các hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn cài đặt và sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến. Qua đó, người dân đã được tiếp cận với các nền tảng dịch vụ số, thanh toán thuận lợi và minh bạch. 

Ông Phạm Đức Giang - Trưởng thôn 3, xã Đào Thịnh cho biết: "Trước đây, trước khi triển khai họp thôn, hoặc thu các khoản đóng góp chúng tôi phải đến trực tiếp các gia đình để thông báo và thu. Nhưng từ khi xây dựng mô hình thôn thông minh, mọi việc trở nên đơn giản, dễ dàng hơn khi chúng tôi thành lập nhóm Zalo chung của thôn. Mọi công việc, thông tin, các khoản thu, chi chúng tôi đều gửi vào nhóm để tất cả mọi người đều nắm rõ và có thể nộp trực tuyến luôn. Với việc sử dụng điện thoại thông minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được đến với người dân kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”. Nhanh chóng bắt kịp xu thế, Hợp tác xã (HTX) Tiến Thành T&T xã Đào Thịnh đã quảng bá các sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử, các phần mềm bán hàng online. 

Anh Phạm Văn Tiến đại diện HTX Tiến Thành T&T cho biết: "Kinh doanh trong thời đại công nghệ số thì các HTX phải năng động bắt kịp, ứng dụng thực hiện nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã học rất nhiều lớp tập huấn để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo. Đồng thời thành lập được trang web của HTX và kênh Tiktok để giới thiệu sản phẩm”. 

Mặc dù chỉ mới trong thời gian triển khai thí điểm nhưng những kết quả đạt được trên lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng mô hình thôn thông minh tại 4 thôn đầu tiên của huyện Trấn Yên đã đạt được kết quả tích cực. Đây là tiền đề, cơ sở để Trấn Yên tiến tới xây dựng Trung tâm Điều hành IOC huyện.

Việc xây dựng thôn thông minh nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy chuyển đổi số trong chính quyền để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng số cho người dân, giúp người dân dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng nơi mình sống trên môi trường số.

 

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan