Bạn đang ở đây

Xuất siêu kỷ lục với 6 tỷ USD

23/07/2020 10:12:05

Tính đến nửa đầu tháng 7, nước đã đã xuất siêu hơn 6 tỷ USD.    

Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, 15 ngày đầu tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,91 tỷ USD.

3 nhóm hàng đạt trị giá “tỷ đô” trong nửa đầu tháng 7 là: điện thoại và linh kiện đạt hơn 1,76 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD và dệt may đạt gần 1,42 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 133,68 tỷ USD, tăng gần 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng gần 600 triệu USD.

xuat sieu ky luc voi 6 ty usd
Xuất khẩu khó khăn song cả nước vẫn duy trì xuất siêu

Ở chiều nhập khẩu, nửa đầu tháng này kim ngạch đạt gần 10,48 tỷ USD, không nhiều biến động so với nửa cuối tháng 6 (nửa cuối tháng 6/2020 đạt 10,44 tỷ USD). Do đó, nước ta vẫn xuất siêu hơn 6 tỷ USD, kết quả này cao hơn nhiều so với con số xuất siêu hơn 1 tỷ USD của cùng kỳ 2019.

Việc xuất siêu đã có tác động tích cực về nhiều mặt. Trực tiếp nhất là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá VND/USD (sau 6 tháng tăng 0,47%, bình quân 6 tháng tăng 0,12% so với cùng kỳ).

Có một tác động không phải nhiều người nhận ra là xuất siêu có tác động đến tăng trưởng kinh tế (kích cầu); trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động “kích cung”- tức kích sản xuất trong nước. Nếu thế giới thương mại giảm sâu, đã đưa đến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sâu, thì ở Việt Nam vẫn xuất siêu, nên tăng trưởng kinh tế chỉ chậm lại chứ không mang dấu âm.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong những tháng cuối năm, ngành công thương cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình thế giới. Tuyệt đối không chủ quan mà phải luôn chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Thực tế hiện nay, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản.

Đối với sản xuất công nghiệp, Bộ khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày; tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi và EVFTA đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 để thúc đẩy xuất khẩu.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan