Bạn đang ở đây

Hà Tĩnh đưa cam lên sàn thương mại điện tử

25/11/2021 09:28:54

Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến với hơn 300 điểm cầu trong nước để quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các loại cam tới các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng trong cả nước.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với nhiều đơn vị để đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.

Bước đầu đã có siêu thị như Vinmart, Co.opmart Hà Tĩnh, sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmar.vn và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh cam trao đổi bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ các loại cam đặc sản của Hà Tĩnh. Các HTX, nhà vườn đã cung ứng 13.000 - 14.000 tấn cam vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Co.opmart, sàn thương mại điện tử.

Hà Tĩnh đưa cam lên sàn thương mại điện tử
Hà Tĩnh có các thương hiệu cam nổi tiếng gồm: cam bù Hương Sơn, cam Thượng Lộc, cam Vũ Quang, cam Khe Mây, trồng chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc

Việc phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh thời gian qua đạt hiệu quả thấp, chưa được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, khâu tiêu thụ chủ yếu là thương lái đến mua trực tiếp tại vườn. Đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh, khiến việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn.

Dự kiến trong năm nay, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.900ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600ha; trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Việc đưa cam vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch còn hạn chế. Nguyên nhân là đặc thù sản phẩm này khó bảo quản trong quá trình vận chuyển, chi phí logistics cao.

Các bộ, ngành cùng nhiều địa phương cũng cam kết sẽ phối hợp với tỉnh trong quá trình sản xuất, kết nối tiêu thụ. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thâm canh ở những vùng sản xuất chất lượng cao; kịp thời tổng kết các mô hình, các đề tài nghiên cứu về giống để đánh giá, từ đó có định hướng phát triển; hạn chế gia tăng diện tích cam đại trà; phát triển những giống cam ít hạt, không hạt và những giống chín sớm, giống chín muộn; liên kết doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan