Bạn đang ở đây

Công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng chống thiên tai năm 2020 của tỉnh Yên Bái

22/06/2020 14:46:20

 

Ảnh minh hoạ

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26/03/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Chỉ thị 08/CT-BCT ngày 07/4/2020 của Bộ Công thương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; Văn bản số 2868/BCT-TTTN ngày 23/4/2020 của Bộ Công thương về triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2020. Để chủ động phòng thiên tai đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của nhân dân trước mùa mưa bão hàng năm Sở Công Thương ban hành văn bản số 509/SCT-QLTM ngày 03/4/2020 về chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối về lĩnh vực lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Đối với lương thực theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Công ty Cổ phần Lương thực Yên Bái dự trữ thường xuyên số lượng gạo 300 tấn (phụ vụ mùa giáp hạt, cứu đói, phòng chống thiên tai…), giá trị khoảng 2,7 tỷ đồng tại tổng kho lương thực tại số nhà 148, đường Trần Hưng Đạo, phường Hồng Hà, TP Yên Bái.

Ngoài mặt hàng lương thực để chuẩn bị hàng hóa từ nay đến thời điểm mùa mưa bão hàng năm, các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm công nghệ chế biến gồm mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai … được các doanh nghiệp là nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh chủ động nhập tăng thêm số lượng hàng hóa trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo dự trữ thêm một lượng hàng hóa nhất định phục vụ nhân dân, vùng bị chia cắt. Tổng giá trị hàng hóa kinh doanh và dự trữ thiết yếu trên địa bàn tỉnh ước thực hiện trên 8,5 tỷ đồng tại một số nhà phân phối  chủ đạo như Công ty TNHH TMDV Hằng Hiển; Công ty TNHH TM Tuyết Nga; Công ty TNHH Hùng Cường; Công ty TNHH TM và DV Hải Phượng; Công ty CP Thương mại và  Đầu tư Yên Bái; DNTN Sức Xuân; Siêu thị Vinmart; hệ thống 10 của hàng Vinmart+ .v.v. đảm bảo cung cấp đủ cho vùng bị thiên tai chia cắt. Đối với các mặt hàng xăng dầu phục vụ việc đi lại cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, đến nay trên địa bàn tỉnh có 116 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phân bố có tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Nguồn xăng dầu kinh doanh bán lẻ thường xuyên tại 116 cửa hàng là 10.000m3/tháng và duy trì kinh doanh thường xuyên, đảm bảo lưu thông xăng dầu trong mùa mưa bão, trong đó Công ty Xăng dầu Yên Bái là đơn vị doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh xăng dầu thường xuyên với 7.000 m3 /tháng cung cấp cho toàn hệ thống trực thuộc của công ty với 31 cửa hàng, đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời về số lượng, chủng loại xăng dầu cho các cửa hàng trực thuộc công ty tại 9 địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Khi các địa bàn bị cô lập do mưa bão, thiên tai thì nguồn xăng dầu tại mỗi cửa hàng luôn yêu cầu duy trì đảm bảo tối thiểu từ 7 đến 10 m3 ngày và đảm bảo cung cấp đủ duy trì tối thiểu trong 15 ngày.

Để chuẩn bị cho mùa mưa bão, ngoài mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu thì phương án dựng nhà tạm cũng được quan tâm dự phòng. Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn, vận động với một số doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng như: tôn lợp, đinh vít, dây thép, cuốc, xẻng.. ..Các cửa hàng chuyên kinh doanh cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng và duy trì sản lượng đảm bảo phục vụ nhu cầu bình thường của người dân cũng như khi có thiên tai xả ra, cụ thể: Tôn lợp (loại 0,35mm, không xốp) 2.000 m2; đinh vít 1 tấn; dây thép (neo, buộc) các loại 1 tấn. Tấm phibro xi măng 3.000 tấm. Tổng giá trị dự trữ mặt hàng vật liệu xây dựng tại đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, ước thực hiện được 3 tỷ đồng.

Công tác chỉ đạo và tham gia cứu trợ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng được Sở quan tâm. Hàng năm trước mỗi mùa mưa bão Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra lại trang thiết bị, dụng cụ cứu hộ như: phương tiện, xăng xe, áo phao, đèn pin, áo mưa cần được quan tâm bổ sung. Công tác kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của Sở Công Thương được quan tâm, trong đó lực lượng trực ban là lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng, đơn vị chuyên môn. Để chủ động ứng phó khắc phục có hiệu quả các thiệt hại do thiên tai gây ra. Sở Công thương xây dựng phương châm “Bốn tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Bên cạnh những mặt đã đạt được trong công tác dự trữ hàng hóa phục vụ mùa mưa bão, thì hiện nay tại một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn như chưa đảm bảo duy trì thường xuyên mặt hàng dự trữ đáp ứng được yêu cầu khi có các trường hợp khẩn cấp xảy ra, các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống đóng chai, lương khô, mỳ ăn liền, vật liệu xây dựng, xăng dầu …còn phụ thuộc vào dự trữ của các doanh nghiệp và các đại lý đóng trên địa bàn. Vì vậy, để công tác dự trữ hàng hóa đảm bảo trong mùa mưa bão đề nghị các Bộ ngành trung ương tham mưu trình Chính Phủ ban hành chính sách cụ thể về ưu đãi đối với doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa đảm bảo bình ổn thị trường và dự trữ hàng hóa PCTT-TKCN hiện nay để làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mùa mưa lũ.

Nguồn: Phòng QLTM

Tin liên quan