Bạn đang ở đây

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

02/11/2022 08:28:24

YênBái - Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các đại biểu Quốc hội: Đỗ Đức Duy, Nguyễn Quốc Luận và Khang Thị Mào đã tham gia ý kiến tại tổ thảo luận cùng đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Hòa Bình.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy - Tổ trưởng tổ thảo luận phát biểu tham gia vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 1/11.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy - Tổ trưởng tổ thảo luận phát biểu tham gia vào Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 1/11.

Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất với việc đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác bởi: thứ nhất là phù hợp với thông lệ quốc tế; thứ hai là phù hợp với Nghị quyết của Trung ương Đảng về phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; thứ ba là phù hợp với việc mở rộng phạm vi.

Đồng tình với một số đại biểu về điểm mới của luật lần này đã đưa vào nội dung điều chỉnh với tổ hợp tác, tuy nhiên, các nội dung điều chỉnh với tổ hợp tác còn khá sơ sài, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, người đại diện, con dấu, tài khoản, đặc biệt là quyền và trách nhiệm của tổ hợp tác trong thực hiện các giao dịch dân sự các giao dịch kinh tế, giải quyết tranh chấp trong các giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế với chủ thể là tổ hợp tác. 

Ngoài ra, chế độ chính sách hỗ trợ đối với tổ hợp tác theo dự thảo Luật còn rất hạn chế, chỉ có duy nhất một chính sách là khi tổ hợp tác chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã thì được hỗ trợ của Nhà nước; còn các chính sách hỗ trợ khác đối với hợp tác xã như đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách hỗ trợ về tín dụng, về hạ tầng, về đất đai… lại chưa có quy định được tiếp cận nên đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đối với tổ hợp tác.

Liên quan đến quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu cho rằng nên quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư kinh doanh nói chung và cũng là cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đồng thời cũng là cơ quan quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã. 

Cụ thể như hiện nay, ở Trung ương là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và cấp huyện là Phòng Kế hoạch - Tài chính, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh. Vì về bản chất , đây là quản lý với một loại hình kinh tế, cũng giống như kinh tế, loại hình kinh tế-là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là doanh nghiệp hoặc các hộ gia đình, cá thể hiện nay đều do ngành kế hoạch và đầu tư quản lý mà không giao cho liên minh hợp tác xã.

Đồng thời, đại biểu Duy cũng thống nhất với quan điểm là liên minh hợp tác xã được hình thành và hoạt động theo Luật về hội như một tổ chức tập hợp của các tổ chức kinh tế hợp tác như hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Cũng thảo luận về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay, có thể nói, các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động khá hiệu quả,cũng là một kênh huy động vốn, hỗ trợ vốn cho các thành viên và nhân dân. 

Tuy nhiên, trong Luật Hợp tác xã chưa thấy đề cập đến nhân dân mà không có điều khoản chuyển tiếp thì không biết tới đây quỹ tín dụng nhân dân sẽ tồn tại thế nào, hình thức ra làm sao, còn tồn tại hay không hợp tác xã kinh doanh tiền tệ, hoạt động như thế nào? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu để bổ sung vào đây, nếu trường hợp không để tồn tại nữa cũng cần phải có điều khoản chuyển tiếp để hoạt động. 

Liên quan đến quy định tại Điều 46 về quy định về tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng của các tổ chức kinh tế tập thể phải có chứng chỉ bồi dưỡng về tổ chức kinh tế tập thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý.

Theo đại biểu Luận, chúng ta cơ bản là bỏ hết các loại giấy phép con, giấy phép không hợp lý. Bây giờ ban hành luật này lại đẻ ra một loại giấy phép con, đặc biệt đối với hợp tác xã miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì rất không thuận lợi và không phù hợp; Ban soạn thảo nên nghiên cứu bỏ nội dung này, không yêu cầu các đối tượng này phải có chứng chỉ về kinh tế tập thể, khó khó thực hiện, không phù hợp thực tế.

Về quy định phải có báo cáo kiểm toán trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm đề xuất mới được Nhà nước xem xét hỗ trợ, đại biểu cho rằng quy định như vậy cũng không phù hợp, đặc biệt là đối với hợp tác xã mới thành lập, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, bây giờ yêu cầu là phải có báo cáo kiểm toán 12 tháng, lúc đó đã có báo cáo kiểm toán khi đang hoạt động rồi, ổn định rồi, báo cáo kiểm toán rồi thì cần gì phải hỗ trợ nữa.

Đặt vấn đề về kiểm toán, các tổ chức kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân, đại biểu bày tỏ thống nhất rất cao với nội dung này, vì đã tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh thì phải tổ chức kiểm toán. 

Về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đại biểu cho biết cũng có những vấn đề chồng chéo, trùng lắp, bức xúc cho các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đại biểu đề nghị cũng cần phải có những quy định rất cụ thể, rõ ràng về đối tượng, tiêu chí, về quy trình, trình tự, thủ tục tổ chức kiểm toán vào những quy định về sự phối hợp sử dụng kết quả của kiểm toán, thanh tra để tránh phiền hà cho các tổ chức kinh tế, tập thể, cá nhân. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mù Cang Chải đồng quan điểm đổi tên Luật Hợp tác xã sửa đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như tại Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cho biết, mô hình hợp tác xã trước đây đã phát huy hiệu quả và có đóng góp đặc biệt to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. 

Trong bối cảnh đất nước có sự thay đổi mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam cũng có độ mở cửa rất lớn, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các tổ chức kinh tế khác trên thị trường trong nước và quốc tế. Các tổ chức kinh tế hợp tác của chúng ta lại chưa có sự đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. 

Việc chậm đổi mới của các hợp tác xã trong một thời gian dài đã thể hiện nhiều dấu ấn chưa tốt về mô hình hợp tác xã, vì vậy rất khó thu hút được sự quan tâm tham gia của người dân, đặc biệt là các đối tượng trẻ, các đối tượng có trình độ chưa muốn tạo dựng, tham gia và làm việc tại các hợp tác xã. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, các tổ hợp tác kinh tế hợp tác của chúng ta hầu như hoạt động đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác, liên kết. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thể hiện sự tư duy đổi mới toàn diện, tạo điều kiện và tạo sự thống nhất, gắn kết cùng phát triển giữa các tổ chức kinh tế hợp tác với nhau, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, thu hút nguồn lực xã hội, người dân, tổ chức tham gia để kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngày mai, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan