Bạn đang ở đây

Khó quản lý chất lượng sữa

02/11/2012 17:17:57

CôngThương - Đầy sức hút với nhà sản xuất

Vào cuối năm 2006, hàng loạt công ty sữa Việt Nam phải thừa nhận đã vi phạm quy cách giới thiệu sản phẩm (sữa lỏng) khi ghi trên nhãn là “sữa tươi nguyên chất” hay  “sữa tươi tiệt trùng” nhưng nguyên liệu chế biến đều là “sữa gầy”. Dòng sản phẩm sữa lỏng này chiếm tới 3/4 thị phần tiêu thụ của ngành. Trong nhiều năm, người tiêu dùng đã phải uống sữa “tươi giả”. Mánh khóe gian lận này là một phương pháp kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn, bất chấp tất cả những giá trị đạo đức, văn hóa.

Theo báo cáo của Vụ thị trường trong nước- Bộ Công Thương tại Hội thảo về quản lý an toàn thực phẩm sữa diễn ra ngày 30/10/2012, sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các ngành thực phẩm ở Việt Nam với mức tăng trưởng doanh thu trung bình giai đoạn 2005-  2009 đạt 18%/năm.

Thêm vào đó, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), nếu mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của người Việt Nam năm 2000 chỉ là 8,09 lít/người/năm thì đến năm 2010 đã lên 14,81 lít/người/năm. Con số này vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (23 lít/người/năm) và Trung Quốc (25 lít/người/năm). Tuy nhiên, FAO dự đoán nhu cầu tiêu thụ sữa của Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Do vậy, sữa vẫn sẽ trở thành mặt hàng tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất. Trong 10 năm qua, năng lực sản xuất và chế biến sữa của Việt Nam đã tăng trên 23%. Hiện cả nước có 300 nhãn hiệu sản phẩm sữa các loại. Tổng năng lực sản xuất là 796,2 triệu hộp sữa đặc có đường; 101,5 ngàn tấn sữa bột; 778,3 ngàn tấn sữa thanh trùng, tiệt trùng và 150,8 ngàn tấn sữa chua/năm, phân bố chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Khó quản lý chất lượng sản phẩm

Theo kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa trong 2 năm qua của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm- Bộ Y tế, trong số các nguyên nhân gây sữa kém chất lượng thì có tới 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, chỉ có chưa đầy 1% xuất phát từ nhà sản xuất. Ủy ban quốc tế về phụ gia thực phẩm (WTO&Fao) tại Việt Nam cho biết: 75-78% nguyên liệu sản xuất sữa trong nước được nhập từ các hãng sữa lớn trên thế giới như FrieslandCampina, Abbott, Moriganna, Mead Johnson. Theo đó, quy trình kiểm duyệt đầu ra của các hãng này đã được kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ. Do vậy, ở Việt Nam, các sản phẩm lỗi thường xuất phát từ việc sản xuất thành phẩm, bảo quản thành phẩm, làm giả, làm nhái.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có các trang trại tập trung khép kín từ chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa theo quy mô công nghiệp. Việc thu mua nguyên liệu nhỏ lẻ từ nông dân rồi vận chuyển xa tới nhà máy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sữa do nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, chất lượng sữa không đảm bảo. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn thiếu thiết bị, công nghệ hiện đại để bảo quản dài và an toàn nguồn nguyên liệu.

Trước thực trạng đó, ông Trịnh Quý Phổ- Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam- kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm và kiểm định chất lượng các sản phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Đối với các nhà sản xuất, hiệp hội yêu cầu doanh nghiệp không sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, doanh nghiệp nên hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam để áp dụng công nghệ hiện đại; xây dựng và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.

Theo Báo Công Thương