Bạn đang ở đây

Giao dịch thương mại điện tử: Còn nhiều bất cập

02/05/2012 12:10:59

Một lãnh đạo của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Công thương cho biết, thời gian gần đây, Cục nhận được nhiều phản ánh của các tổ chức và cá nhân về hoạt động của một số DN lợi dụng thương mại điện tử để huy động lượng tiền mặt lớn từ mạng lưới người tham gia, với mô hình hoạt động có nhiều điểm không minh bạch. Các DN này thường lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT để các thành viên mở một gian hàng ảo giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Thành viên được phép giới thiệu nhiều người khác cùng tham gia và hưởng hoa hồng ở mức cao dần tùy vào mức độ "phát triển mạng lưới gian hàng" theo những hợp đồng mà họ giới thiệu. Do mức phân chia hoa hồng đa cấp khá lớn, nên phần lớn các thành viên tham gia website đều không kinh doanh thực tế mà đặt mục tiêu thu lợi nhuận từ việc giới thiệu người khác tham gia là chính, dẫn đến đa số gian hàng trên các website dạng này đều là gian hàng "rỗng", không có sản phẩm cần bán và thông tin gì về chủ gian hàng. 
Cuối tháng 3-2012, Công an TP Hà Nội đã tạm giam lãnh đạo, nhân viên Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á về tội lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp trên sàn giao dịch TMĐT để chiếm đoạt tài sản. DN này dùng thủ đoạn sử dụng "gói dịch vụ đặt phòng giá rẻ" đi du lịch tại các khách sạn 3-5 sao trên phạm vi toàn cầu kèm theo chế độ "thưởng" cao cho các thành viên huy động được nhiều người tham gia. Đã có hơn 70.000 người trở thành nạn nhân với số tiền bị lừa lên đến trên 2,7 triệu USD. Cũng trong quý I-2012, hàng trăm người dân tỉnh Cà Mau đã đến cơ quan công an tố giác Công ty CP Thương mại sơn Quang Vinh (trụ sở tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), đơn vị quản lý, khai thác sàn giao dịch TMĐT www.vietinmora.com có dấu hiệu lừa đảo hơn 6.000 thành viên với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng...
Những vụ việc trên cho thấy, việc cấp phép, quản lý sau cấp phép cho hoạt động này hiện nay khá lỏng lẻo. Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT&CNTT, theo quy định tại Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31-12-2010 của Bộ Công thương, Cục được giao cấp đăng ký cho các sàn giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, việc cấp đăng ký cho các sàn giao dịch này chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký kinh doanh của DN, có đối chiếu với thông tin thể hiện trên website tại thời điểm đăng ký, không phải là một sự bảo đảm về uy tín của DN hay chất lượng của hàng hóa, dịch vụ quảng bá trên website. Còn theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, hiện việc quản lý các website kinh doanh trên mạng internet rất khó khăn bởi khi ra đời, các website này không đăng ký với Sở nên không có danh sách để kiểm tra. Chỉ khi có phản ánh của người dân,Thanh tra Sở mới vào cuộc nhưng chỉ dừng ở mức độ kiểm tra thông tin trên website như nội dung khuyến mãi, mức giảm giá... 
Không chỉ có vậy, hiện nay, quy định của pháp luật về TMĐT còn nhiều khoảng trống, Bộ Công thương mới chỉ có Thông tư số 46/2010/TT- BCT quy định trách nhiệm của các DN tham gia cung cấp dịch vụ sàn GDTMĐT, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Song khi xảy ra tranh chấp, Thông tư lại không khẳng định chủ website phải chịu trách nhiệm. Ngay cả Cục TMĐT& CNTT cũng chỉ có thể đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi tham gia và phát hiện, phản ánh hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật của các DN kinh doanh thương mại điện tử với cơ quan chức năng để xử lý.
Còn đối với hoạt động mua bán online giữa cá nhân với cá nhân, những chiêu lừa đảo trên mạng xảy ra khá nhiều và sẽ còn tiếp diễn bởi chúng ta chưa quản lý được những trang web - "chợ ảo". Chủ các trang web - "chủ chợ" này có nguồn lợi ổn định từ việc thu phí tham gia của DN hoặc cá nhân đăng tải thông tin gian hàng và kinh doanh trên "chợ" của họ nên không quan tâm kiểm tra chất lượng, nguồn gốc sản phẩm… mặc dù họ có trách nhiệm yêu cầu người bán trước khi rao bán sản phẩm trên "chợ ảo", phải xuất trình những giấy tờ bảo đảm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như thông tin về người mua, bán cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm. Khi xảy ra hiện tượng lừa đảo hay có tranh chấp, khiếu nại, "chủ chợ" thường né tránh việc chỉ dẫn, giúp đỡ nạn nhân truy tìm thủ phạm. Tóm lại là hoàn toàn đứng ngoài cuộc. 
Tại hội thảo tổ chức ngày 6-4 vừa qua để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, DN có liên quan tới lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn xác nhận, quản lý hiệu quả lĩnh vực này đang là một bài toán khó, cần có lời giải hợp lý. Trong tháng 6 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng với quy định: Nghiêm cấm dùng các thông tin cá nhân giả mạo để sử dụng các dịch vụ internet. Đồng thời các tổ chức, DN thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ theo quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của Bộ Công an. Còn bà Lại Việt Anh - Trưởng phòng Pháp chế, Cục TMĐT&CNTT - Bộ Công thương lại cho rằng: Trước khi Nhà nước, các cơ quan chức năng có các biện pháp mới, đưa ra chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia các sàn giao dịch TMĐT hay các website được phép thực hiện hoạt động thương mại, người tiêu dùng cần chủ động tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc sáng suốt, tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định và tốt nhất là nên mua bán trực tiếp khi chưa kiểm chứng được thông tin. Hãng bảo mật Symantec cũng khuyến cáo người dùng nên cẩn thận, không tiết lộ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính quan trọng trên mạng, trừ khi biết chắc chắn rằng nguồn tiếp nhận đó là chính thống và đáng tin cậy.

Theo HNMO

Tin liên quan