Bạn đang ở đây

Khởi nghĩa Yên Bái: Tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do của nhân dân

10/02/2023 09:31:23

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái được đề cao, được coi như ngọn cờ tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh của một dân tộc bị áp bức chống đế quốc xâm lược. Vào đêm mồng 9 rạng ngày 10/2/1930, Nguyễn Thái Học cùng các cộng sự của ông với tinh thần yêu nước cháy bỏng và lòng căm thù giặc sâu sắc đã đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Yên Bái. Mặc dù không thành công, song Khởi nghĩa Yên Bái đã ghi vào trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam một dấu ấn khó phai mờ.

Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái.

Nguyễn Thái Học sinh ngày 01/12/1902 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) trong một gia đình trung nông sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải, buôn vải. Ông là con cả của cụ Nguyễn Văn Hách và Nguyễn Thị Quỳnh. Từ 4 tuổi ông đã được cha mẹ cho đi học chữ Hán, năm 11 tuổi ông bắt đầu theo học chương trình tiểu học Pháp - Việt tại thị xã Vĩnh Yên. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tiểu học, năm 1921, Nguyễn Thái Học thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian gần 3 năm học ở trường này, Nguyễn Thái Học đã nhiều lần công khai phản đối thái độ và hành vi phân biệt, miệt thị người bản xứ của một số giám thị và giáo viên người Pháp.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm (1924), Nguyễn Thái Học nộp đơn xin học Trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương. Trong thời gian ông học tập tại đây, phong trào yêu nước Việt Nam có nhiều chuyển biến rất quan trọng.

Có thể nói, truyền thống quê hương, tư tưởng Nho giáo cùng với những chính sách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp là những yếu tố cơ bản tạo nên một Nguyễn Thái Học yêu nước, căm thù giặc, thôi thúc ông tìm đường cứu nước. Nguyễn Thái Học bước vào tuổi trưởng thành cũng là thời kỳ phong trào kháng Pháp ở Việt Nam dần lắng xuống. Các phong trào vũ trang hay bạo động chống Pháp đều bị thực dân Pháp đàn áp. Tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam vừa mới hình thành còn rất non yếu về cả thế và lực. Tư tưởng “Pháp - Việt đề huề” mong dựa vào Pháp để cầu tiến bộ, cải cách đang được tán dương, nhất là khi Varenne, đảng viên Đảng Xã hội Pháp được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương với hàng loạt các chính sách phỉnh phờ, lừa bịp, mua chuộc. Nguyễn Thái Học cũng không khỏi ngộ nhận có thể đề nghị Pháp tiến hành một số cải cách, thúc đẩy nền kinh tế bản xứ phát triển để người dân thuộc địa dễ sống hơn nhưng những nguyện vọng của ông gửi tới chính quyền Pháp đều không được chấp nhận.

Năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo nổ ra và bước đầu giành thắng lợi. Trước sự thất bại của con đường đấu tranh cải lương, Nguyễn Thái Học nhận ra rằng muốn cứu nước chỉ có con đường vũ trang khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp. Khi đã xác định được con đường cứu nước, Nguyễn Thái Học đã nhanh chóng cùng một số thanh niên trí thức yêu nước cùng chí hướng thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng vào ngày 25/12/1927.

Nói đến tư tưởng cách mạng của Nguyễn Thái Học, phải nói đến tư tưởng “Không thành công cũng thành nhân” của ông. Tư tưởng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Thái Học và đại cục của Việt Nam Quốc dân đảng và cũng là ngòi nổ của cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

Năm 1926, tại Hà Nội xuất hiện một nhà xuất bản mang tên Nam Đồng thư xã do hai anh em Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm và Hoàng Phạm Trân chủ trương, do Phạm Tuấn Tài làm chủ nhiệm. Nam Đồng thư xã vừa giống như một nhà xuất bản, một hiệu sách đồng thời như một nhóm biên soạn, tập trung vào việc biên soạn, dịch thuật, phát hành sách báo phổ biến các tư tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng Tôn Trung Sơn, ca ngợi các tấm gương nghĩa liệt, những anh hùng cứu quốc là người Việt Nam và nước ngoài và trở thành một trong những nơi quy tụ thanh niên, trí thức yêu nước ở Bắc Kỳ.

Lúc đó, Nguyễn Thái Học là sinh viên năm thứ 2 của trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương, là độc giả thường xuyên của nhà xuất bản, rồi liên lạc với Nam Đồng thư xã và cuối cùng đến cuối năm 1927, cùng với Hồ Văn Mịch dọn đến ở chung với Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm và Hoàng Phạm Trân ngay trong nhà xuất bản để cùng chia sẻ tư tưởng và hành động. Năm 1927, sau khi Nguyễn Thái Học gửi đến Thống sứ Bắc kỳ xin phép ra tờ bán nguyệt san lấy tên Nam Thành với mục đích nâng cao dân trí, bỏ hủ tục, khuyến khích phát triển nền kinh tế thuộc địa nhưng không được chấp thuận, Nguyễn Thái Học và nhóm Nam Đồng thư xã khẩn trương chuẩn bị để lập ra một tổ chức yêu nước bí mật. Đi từ tuyên truyền cổ động, Nam Đông thư xã đã trở thành hạt nhân của việc thành lập chính đảng của giai cấp tư sản Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm Nam Đồng thư xã đã tổ chức được 18 chi bộ rải rác trong các tỉnh Bắc Kỳ với số lượng gần 200 đảng viên bí mật.

Ngày 25/12/1927, Việt Nam Quốc dân đảng ra đời tại cuộc họp ở làng Thể Giao, nay là nhóm các đường phố Thể Giao, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm - quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Thái Học chủ trì. Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Nguyên Thái Học, Việt Nam Quốc dân đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển cơ sở trong các tầng lớp dân chúng trên cả nước, nhất là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng còn có thêm các nhóm nhân sĩ và trí thức yêu nước ở Bắc Ninh do Nguyễn Thế Nghiệp tổ chức, nhóm khác ở Thanh Hoá do Hoàng Văn Đào đứng đầu, một nhóm ở Thái Bình do Hà Đình Điển tổ  chức và một nhóm ở Sài Gòn do Trần Huy Liệu đứng đầu. Cơ sở tổ chức của Việt Nam Quốc dân đảng phát triển tương đối nhanh trong năm 1928 và đầu năm 1929, thu hút hàng nghìn thanh niên trí thức, công chức và binh lính Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp. Đến năm 1928, Việt Nam Dân quốc hội do Nguyễn Khắc Nhu thành lập cũng tự nguyện sáp nhập, cùng chịu sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học.

Khi mới thành lập, Đảng chưa có chính cương rõ ràng mà chỉ nêu chung chung là “Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm cách mạng thế giới”. Năm 1928, Đảng nêu lên tôn chỉ “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Mục đích của Đảng là để đoàn kết lực lượng để đẩy mạnh cách mạng dân tộc, xây dựng nền dân chủ trực tiếp, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức. Trong điều lệ sửa đổi (công bố tháng 02/1929), Đảng nêu ba nguyên tắc tư tưởng là “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Việt Nam Quốc dân đảng chủ trương tiến hành cách mạng qua bốn thời kỳ: thời kỳ bí mật (tập hợp lực lượng); thời kỳ dự bị (chuẩn bị các điều kiện vật chất như lương thực, vũ khí đạn dược cho cuộc khởi nghĩa vũ trang); thời kỳ công khai (đánh đuổi giặc Pháp, lật đổ ngôi vua); thời kỳ kiến thiết (thành lập chính phủ cộng hòa, thực hiện các quyền tự do dân chủ). Nhưng đến khi khởi nghĩa vũ trang, những nguyên tắc và chính sách có tính cách mạng lại bị loại bỏ.

Về mặt tổ chức, Việt Nam Quốc dân đảng có bốn cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Chi bộ. Mỗi chi bộ không quá 19 người. Từ Chi bộ đến Tỉnh bộ, Kỳ bộ tới Tổng bộ. Mỗi cấp có 4 ban: Tài chính, Tuyên truyền, Trinh sát, Tổ chức. Tổng bộ có thêm 4 ban: Binh vụ, Ngoại giao, Giám sát và Ám sát. Trên thực tế, Kỳ bộ Việt Nam Quốc dân đảng Bắc Kỳ làm nhiệm vụ của Tổng Bộ. Thành phân của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng bao gồm: trí thức, học sinh, giáo viên, công chức, những người làm nghề tự do, một số thân hào ở nông thôn, một số binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Tổ chức cơ sở trong quần chúng rất ít, địa bàn hoạt động chủ yếu ở một số tỉnh Bắc Kỳ.

Tại Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng có khoảng 40 người, chủ yếu là lính khố đỏ thuộc đại đội 5, 6, 7 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lính khố đỏ số 4 Bắc Kỳ. Lính khố xanh không tham dự khởi nghĩa.

Đêm 9 rạng ngày 10/2/1930, Khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ, nghĩa quân đã hạ sát được hầu hết bọn sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy ở các nhà riêng, phối hợp với nghĩa quân hai cơ lính khố đỏ đồn 5 và 6 đồn Dưới nổi dậy.

Trước sân trại lính, một đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng đọc bài “Hịch khởi nghĩa” với những khẩu hiệu: “Đuổi giặc Pháp về nước Pháp/ Đem nước Nam trả người Nam/ Cho trăm họ khỏi lầm than/ Được thêm phần hạnh phúc”. Từng toán quân khởi nghĩa chia nhau đi chiếm nhà ga, bến xe và các cơ quan chính quyền của Pháp, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng và ủng hộ nghĩa quân khởi nghĩa. Cờ của Việt Nam Quốc dân đảng tung bay trên trại lính và các công sở. Do không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh cơ số 7 và số 8 ở trên đồn cao, Trung tá Tacon củng cố lực lượng phản công lại. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Phối hợp với Khởi nghĩa Yên Bái, đêm 10/2/1930, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Khắc Nhu đã lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hóa, chiếm phủ Lâm Thao. Theo kế hoạch khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hóa, hai nghĩa quân này sẽ hội quân tại Hưng Hóa, vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây, hợp với quân của Phó Đức Chính chiến đấu tại đây. Nghĩa quân đánh đồn Hưng Hóa, do không có nội ứng và vũ khí kém nên không đánh chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. Tại đây, quân nghĩa khởi do Phạm Nhận chỉ huy đã đánh chiếm được phủ Lâm Thao. Được sự chi viện của quân Pháp từ Phú Thọ, chúng tổ chức phản công dữ dội, do thiếu vũ khí lại thiếu người chỉ huy sau khi Nguyễn Khắc Nhu bị thương và bị bắt, nghĩa quân tan vỡ.

Cùng tiếng súng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã tổ chức cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội để uy hiếp tinh thần và gây hoang mang cho quân Pháp khiến chúng phải đề phòng và nâng cao cảnh giác. Chúng ráo riết truy lùng những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng và những người yêu nước.

Sau khởi nghĩa Yên Bái 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng. Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, một tên quan lại tham tàn độc ác. Với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với vũ khí hiện đại, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt.

Nguyễn Thái Học trốn thoát do được sự che chở của nhân dân. Cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học bàn bạc và dự định cải tổ lại Đảng và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương).

Ngày 23/3/1930, ông bị kết án tử hình. Ngày 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ khác của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái lên máy chém. Bước lên đoạn đầu đài, trước khi đưa đầu vào máy chém, Nguyễn Thái Học hô vang: “Việt Nam vạn tuế!”.

Pháp phải thừa nhận Khởi nghĩa Yên Bái đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Báo cáo của mật thám Đông Dương gửi Toàn quyền Đông Dương và Bộ Thuộc địa số 2037, phông RST/NF đã viết: “Việt Nam Quốc dân Đảng đã thành công trong việc tổ chức và đánh ngay vào quân đội mà đội quân ấy được thành lập dành cho mục đích thực hiện chức năng đàn áp và sự kiện lịch sử này đã giáng một đòn đặc biệt nghiêm trọng vào chính quyền thuộc địa...”.

Khởi sự với phương châm “Không thành công cũng thành nhân”, do nhiều nguyên nhân, cuộc khởi nghĩa đã thất bại, nhưng sự hy sinh quả cảm, hiên ngang, bất khuất của các nghĩa sỹ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm trang sử oanh liệt đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Khởi nghĩa Yên Bái đã để lại nhiều bài học quý báu trên nhiều phương diện, có nhiều công trình khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi và khắc họa lại những hình ảnh của các chí sỹ yêu nước tại Yên Bái với tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do của nhân dân ta. Hành động yêu nước và tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ Yên Bái sống mãi trong lòng nhân dân ta.

Để ghi nhớ và tôn vinh nhà yêu nước Nguyễn Thái Học cùng các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo, mở rộng Di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo trong không gian đô thị của thành phố Yên Bái. Khu di tích như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới, thể hiện lòng tri ân với các bậc tiền nhân bằng những việc làm thiết thực, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố Yên Bái đã ra sức thi đua xây dựng thành phố quê hương ngày càng giàu đẹp, nhất là trong công cuộc hội nhập, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực.

Kỷ niệm 93 năm khởi nghĩa Yên Bái là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng khắc sâu thêm giá trị lịch sử, tinh thần yêu nước bất khuất của Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống cách mạng của quê hương Yên Bái anh hùng, tiếp thêm động lực, sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2025.

Nguồn: yenbai.gov.vn

 

 

Tin liên quan