Bạn đang ở đây

Giải mối lo ô nhiễm môi trường khu công nghiệp - Kỳ II: Cần giải pháp đồng bộ

24/07/2019 10:19:26

Khắc phục những hạn chế

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Chí Đào - Trưởng phòng quản lý môi trường - Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, công tác BVMT trong các KCN hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Hệ thống văn bản pháp luật về BVMT quy định riêng cho các KCN còn hạn chế; thiếu chủ thể quản lý thực sự chịu trách nhiệm và giải quyết các vấn đề môi trường KCN, đầu mối thực hiện triển khai các nội dung quy định về BVMT của KCN. Việc phân định chức năng không rõ ràng sẽ dẫn đến việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị.

giai moi lo o nhiem moi truong khu cong nghiep ky ii can giai phap dong bo
Doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bắc Ninh đã có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hạ tầng KCN tập trung thu hút đầu tư, lấp đầy KCN, chưa thực sự chú trọng tới công nghệ, môi trường… do đó, cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, tính liên kết ngành của các KCN chưa chặt chẽ. Một số dự án đầu tư vào KCN quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp nên việc đầu tư cho công tác BVMT còn hạn chế.

Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức để đánh giá sát thực tế, đặc biệt là việc xác nhận kế hoạch BVMT của các các huyện, thị xã, thành phố. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về môi trường chưa chặt chẽ. Trong đó, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường KCN chưa có sự chủ động.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phạm Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, nguyên nhân một số KCN đã đi vào hoạt động chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là do tỷ lệ lấp đầy thấp (số lượng các cơ sở thứ cấp thu hút đầu tư được còn ít); các cơ sở thứ cấp phát sinh ít hoặc không phát sinh nước thải; các cơ sở thứ cấp đã có hệ thống xử lý nước thải riêng đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn như KCN Đồng Xoài I, tỉnh Bình Phước; KCN Trần Quốc Toản, tỉnh Đồng Tháp; KCN Bình Long, tỉnh An Giang hoặc chuyển giao nước thải cho đơn vị có chức năng xử lý như KCN Chơn Thành 2 , tỉnh Bình Phước.

Hơn nữa, các KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chủ yếu tập trung tại các địa phương có khó khăn về thu hút đầu tư và nguồn vốn ngân sách. Trong đó, chủ đầu tư là đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa được ngân sách cấp vốn để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, một số KCN chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa có nguồn vốn để đầu tư.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương đã phối hợp triển khai các hoạt động để đảm bảo nước thải phát sinh từ các KCN được giám sát chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT, gồm có nội dung về việc lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN và có các hình thức xử phạt.

Cụ thể, phạt tiền từ 150.000.000 đồng - 200.000.000 đồng đối với hành vi không có thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; phạt tiền từ 100.000.000 đồng - 150.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt thiếu một trong các thông số của thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động. Kết quả dữ liệu của các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ.

giai moi lo o nhiem moi truong khu cong nghiep ky ii can giai phap dong bo
Phát triển công nghiệp trong các khu công nghiệp cần gắn với bảo vệ môi trường

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường công tác kiểm soát, giám sát nước thải phát sinh từ các KCN. Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật (quy định quản lý và kỹ thuật) trong công tác xây dựng và vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN.

Ba là, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống kiểm soát, giám sát chặt chẽ công tác BVMT các KCN. Trong đó, nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia cùng giám sát việc xả nước thải, thông qua nhận biết dấu hiệu môi trường ô nhiễm và phản ánh kịp thời các vụ việc.

Bốn là, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương giám sát chặt chẽ nguồn xả thải ra môi trường của các KCN; nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư và chủ doanh nghiệp nhằm đảm bảo các dự án đầu tư phải tuân thủ nghiêm pháp luật môi trường nói chung cũng như nghiêm túc tuân thủ việc lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế sử dụng số liệu, chia sẻ số liệu và công khai số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục, trong đó có nước thải.

Sáu là, xây dựng, hoàn thiện và ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải, kết quả giám sát nguồn thải nhằm đánh giá, kiểm soát, phục vụ công tác quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin tới các bên liên quan.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Chí Đào cho hay, trong thời gian tới, Ban quản lý các KCN sẽ hoàn thành Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến 2035 và tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các KCN còn lại theo quy hoạch được phê duyệt. Như vậy, áp lực phát triển công nghiệp trong các KCN lên môi trường ngày càng lớn, nhiệm vụ BVMT là hết sức nặng nề. Do vậy, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển KCN gắn kết với BVMT; tuân thủ nghiêm quy hoạch chi tiết các KCN đã được phê duyệt, quản lý chặt chẽ công BVMT ngay từ khi xây dựng, phê duyệt các dự án đầu tư...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để tăng cường công tác BVMT nói chung và kiểm soát việc xả thải từ KCN nói riêng, hơn bao giờ hết cần thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể về tác động môi trường của việc phát triển các KCN hiện nay, từ đó xem xét việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN cho phù hợp. Đối với các KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật BVMT, cần có biện pháp kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư KCN này hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật BVMT…

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và làm rõ khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm giải quyết của các bên liên quan trong việc chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các KCN; đồng thời xây dựng Đề án BVMT KCN và báo cáo Chính phủ, Quốc hội các giải pháp để đảm bảo các KCN hoạt động trên cả nước có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tin liên quan