Bạn đang ở đây

Bát Tràng từ làng nghề đến điểm du lịch hấp dẫn

02/08/2019 09:10:30

Làng nghề tiêu biểu thủ đô

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội), Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam gắn với nhiều giá trị văn hóa làng nghề truyền thống đặc trưng.

bat trang tu lang nghe den diem du lich hap dan
Bát Tràng đến nay vẫn duy trì được nghề sản xuất truyền thống

Bát Tràng hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là nghệ nhân nhân dân Trần Ðộ, nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn…

Nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia…

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi tại Bát Tràng đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc, đồng thời khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Cơ hội thu hút đầu tư cho du lịch

Trong dòng chảy của cuộc sống với nhiều đổi thay, Bát Tràng vẫn bền bỉ duy trì nghề truyền thống, đồng thời bồi đắp, xây dựng để bắt nhịp với nhu cầu thị trường về sản phẩm cũng như khám phá, tìm hiểu làng nghề của du khách.

Trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách.

So với các làng nghề tại Hà Nội, Bát Tràng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch một cách bền vững. Tuy nhiên, hiện có không ít rào cản để làng nghề có thể kéo nhiều hơn du khách đến, tạo sự đột phá cho tăng trưởng của du lịch, thậm chí phải đối diện nguy cơ mai một sức hấp dẫn do hệ thống thông tin về điểm đến, các sản phẩm, dịch vụ chưa được quan tâm một cách đồng bộ; những sáng kiến về phát triển du lịch còn manh mún.

bat trang tu lang nghe den diem du lich hap dan
Lượng khách du lịch đến với Bát Tràng đa dạng nhiều thị trường

Trước thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch cũng như khắc phục những tồn tại, thời gian gần đây Bát Tràng được Hà Nội rất quan tâm thông qua các chương trình phát triển du lịch. Trong đó, phải kể tới việc Hà Nội đã có phương án phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng giai đoạn 2019-2020, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển du lịch thông minh.

Theo chương trình, Bát Tràng sẽ trở thành làng nghề đầu tiên tại Hà Nội áp dụng các thành tựu của du lịch thông minh, trong đó có lắp wifi miễn phí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D; đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại các điểm tham quan cũng như hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại; cổng thông tin điện tử tổng hợp Bát Tràng cũng sẽ được xây dựng để tiếp cận du khách dễ dàng và bảo đảm nguồn thông tin chính thống…

Và gần đây Bát Tràng đã được Hà Nội chọn thực hiện đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch, quy hoạch đầu tư một cách đồng bộ thông qua quyết định công nhận là Điểm du lịch. Việc công nhận điểm du lịch được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động du lịch của Bát Tràng; đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch.

Nhằm giúp cho Bát Tràng có một hướng đi phù hợp trong khai thác, phát triển du lịch, phía cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng có những đề xuất thiết thực. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài quảng bá các sản phẩm gốm, Bát Tràng cũng nên tập trung tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực, gắn liền với văn hóa truyền thống của địa phương; phát triển hệ thống lưu trú, bổ sung website hoặc ứng dụng riêng để du khách biết thêm nhiều thông tin của làng nghề.

Trên cơ sở những ý kiến từ của doanh nghiệp, người dân, Sở Du lịch Hà Nội cho biết là sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho phát triển du lịch làng nghề nói chung và Bát Tràng nói riêng. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - ông Trần Đức Hải - từng chia sẻ, làng nghề là loại hình sản phẩm du lịch văn hóa với chủ thể là cộng đồng doanh nghiệp, người dân bản địa. Vì thế, cần xác định rõ từng nhiệm vụ cụ thể, để phát triển loại hình sản phẩm du lịch làng nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tin liên quan