Bạn đang ở đây

Yên Bái: Tình hình hoạt động khai thác, chế biến đá vôi trắng

05/12/2013 15:58:33

Đá vôi trắng ở Yên Bái có quy mô lớn và chất lượng tương đối tốt có thể dùng làm đá ốp lát hoặc làm khoáng chất công nghiệp, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lục Yên (đá vôi trắng làm đá ốp lát và dùng làm khoáng chất công nghiệp) và xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (đá vôi trắng làm khoáng chất công nghiệp, sản xuất xi măng). Trong đó:

Đá vôi trắng làm đá ốp lát: khoảng 1.300 triệu m3;

Đá vôi trắng làm xi măng và khoáng chất công nghiệp: khoảng 600 triệu m3 (tương đương 1.620 triệu tấn).

Tính đến ngày 30/10/2013 trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 30 giấy phép khai thác đá vôi trắng (được cấp cho 27 doanh nghiệp), Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 27 giấy phép, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp 03 giấy phép. Trong đó có 28 giấy phép còn hiệu lực, 02 Giấy phép hết hiệu lực đang xin cấp lại.

Công suất khai thác đá vôi trắng trên địa bàn tỉnh: 2,3 triệu m3/năm (làm đá ốp lát) và 12,0 triệu tấn/năm (làm khoáng chất công nghiệp), tổng công suất khoảng 6,7 triệu m3/năm.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có hai huyện là Yên Bình và Lục Yên có hoạt động khai thác đá vôi trắng:

Trên địa bàn xã Mông Sơn, huyện Yên Bình có 7 Giấy phép khai thác còn hiệu lực: trong đó 6 mỏ đã hoạt động khai thác có hiệu quả, còn lại 01 mỏ (cấp cho Công ty cổ phần TM & SX Công nghiệp) đang tiến hành xây dựng cơ bản mỏ (làm đường lên mỏ tạo diện khai thác đầu tiên) theo thiết kế mỏ đã lập.

Trên địa bàn huyện Lục Yên có 21 Giấy phép khai thác còn hiệu lực: trong đó có 8 mỏ đang hoạt động khai thác, 03 mỏ đang tạm dừng khai thác, các mỏ còn lại đang triển khai xây dựng cơ bản hoặc đang triển khai làm các thủ tục về đất đai chưa đi vào hoạt động.

Trong công tác chế biến, đa số các Dự án khai thác đá vôi trắng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều gắn với nhà máy chế biến (xẻ làm đá ốp lát hoặc nghiền bột siêu mịn canxi cacbonat). Một số doanh nghiệp được cấp giấy phép đã đưa mỏ vào khai thác và có nhà máy chế biến hoạt động ổn định như: Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái và Công ty cổ phần xi măng Yên Bình có nhà máy sản xuất xi măng; Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương (có nhà máy đá xẻ làm đá ốp lát và nhà máy nghiền bột Cacbonat canxi); Công ty cổ phần Mông Sơn, Công ty liên doanh canxi cacbonat YBB, Doanh nghiệp DVSXTR 327 (có nhà máy nghiền bột Cacbonat canxi), Công ty cổ phần đầu tư Vạn Khoa...

Trên địa bàn huyện Lục Yên, Công ty TNHH đá cẩm thạch R.K Việt Nam là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã đầu tư vào khai thác và chế biến đá vôi trắng khá bài bản, với công nghệ tiên tiến, hiện đại, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy xẻ đá ốp lát đi vào hoạt động ổn định, ngoài ra Công ty còn đầu tư xây dựng nhà máy nghiền bột cacbonat canxi. Đây là một trong số ít doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả với quy mô lớn trên địa bàn huyện Lục Yên, sau khi được cho phép tiếp tục xuất khẩu đá khối công ty đã tiếp tục đầu tư các dây chuyền công nghệ trong khai thác, chế biến nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động.

Nhìn chung trong quá trình triển khai hoạt động khai thác các doanh nghiệp còn khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gây mất thời gian không đảm bảo tiến độ thi công, đây cũng là khó khăn chung của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Một số mỏ chất lượng khoáng sản thấp, không đáp ứng yêu cầu của thị trường về độ trắng và độ liền khối, nên hiệu quả sản xuất thấp (như Công ty sản xuất đá Granit TNHH - Granida, Công ty Cp đá quý và vàng Yên Bái), thậm chí không mang lại hiệu quả kinh tế, phải tạm dừng sản xuất như: Công ty TNHH thương mại Cửu Phú, công ty TNHH Chân Thiện Mỹ.

Một số doanh nghiệp còn thiếu năng lực về vốn, kinh nghiệm trong khai thác, chế biến và tìm thị trường tiêu thụ; chưa chú trong đầu tư cho chế biến, nhất là khai thác đá ốp lát. Vì vậy, tiến độ đưa mỏ vào hoạt động chậm, sản phẩm khai thác ra còn phải phụ thuộc vào việc xuất khẩu đá khối.

Trong khai thác đá ốp lát, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến nhưng công suất chế biến chưa phù hợp với công suất khai thác, sản phẩm chủ yếu vẫn là đá khối để xuất khẩu. Vì vậy, chưa tận thu được tối đa sản phẩm khai thác mỏ, còn để lãng phí tài nguyên.

Việc quy định những loại khoáng sản không được xuất khẩu để dành cho sản xuất trong nước theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp, tạo điều kiện phát triển các cơ sở chế biến, tăng nguồn thu và tạo thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên, việc dừng xuất khẩu khoáng sản cần phải có lộ trình để các đơn vị chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy chế biến hoặc mở rộng công suất nhà máy chế biến mới có thể sử dụng hết sản phẩm khai thác mỏ. Ví dụ như hiện nay, các mỏ khai thác đá vôi trắng được cấp phép và đi vào khai thác đều phù hợp với quy hoạch đã được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, nhưng một số nhà máy xẻ đá ốp lát và nghiền bột chưa đáp ứng được quy mô cũng như công nghệ nên các doanh nghiệp vẫn phải xuất khẩu đá khối (đá block)... Việc dừng xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, không quay vòng được vốn, dẫn đến sản xuất bị đình trệ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị hoạt động khai thác đá vôi trắng (do thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ), đầu năm 2013, Bộ Xây dựng đã cho phép các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu đá khối được xuất khẩu theo lộ trình. Nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, sản phẩm tồn kho của các đơn vị không còn nhiều, giảm dần theo nhu cầu thị trường.

Để hoạt động khai thác, chế biến đá vôi trắng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, đồng thời giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay thì việc tiếp tục cho xuất khẩu đá khối (Block) theo lộ trình cần được duy trì, thời gian phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển. Ngoài ra trong quá trình rà soát, lập quy hoạch đá vôi trắng nói riêng và khoáng sản làm vật liệu xây đựng nói chung, cơ quan chủ quản cần quan tâm đến quy hoạch chế biến với công suất chế biến phù hợp với công suất khai thác để hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản thô của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác./.

Nguồn: Phòng KTATMT

Tin liên quan