Bạn đang ở đây

Yên Bái chia sẻ và tháo gỡ cho doanh nghiệp

23/05/2012 14:33:50

Buổi gặp mặt các doanh nghiệp với  sự tham gia của các Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường; Phó chủ tịch UBND tỉnh Tạ Văn Long, cùng đông đảo các ngành chức năng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: tài chính, thuế, ngân hàng, công thương, tài nguyên - môi trường... là minh chứng cụ thể về cam kết "chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp" của Yên Bái.

Tại buổi gặp mặt, ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương đã thẳng thắn đánh giá: Bước vào năm 2012, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn gay gắt hơn do ảnh hưởng của lạm phát từ năm 2011, do tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, do sự thay đổi một số chính sách của Nhà nước liên quan nhiều đến một số ngành sản xuất và xuất khẩu của tỉnh như quy định mới về khai thác chế biến khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản (Nghị định số 15 và Chỉ thị số 02)...

Vì vậy, giá trị sản xuất công nghiệp hết tháng năm ước đạt 1.303 tỷ đồng, bằng 33,4 % kế hoạch năm, tăng 19,9%% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tiếp tục giảm sâu, đạt kế hoạch thấp và mức tăng trưởng cũng thấp so với các năm trước đây.

Cụ thể, chỉ một số sản phẩm chủ yếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2011 là: điện thương phẩm đạt 164.761 ngàn Kwh, tăng 35,5%; penspat phong hoá đạt  33.476 tấn, tăng 166,3%... Tuy nhiên, tất cả những nhóm sản xuất khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, phát điện và đầu tư các dự án công nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Một số sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lại đạt thấp so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh như xi măng bao đạt 332 ngàn tấn, giảm 18,6%; clinker thương phẩm đạt 14.326 tấn, giảm 68, 1%; quặng sắt đạt 21.629 tấn, giảm 49% ...

Nguyên nhân sản xuất công nghiệp đạt thấp, trước hết đó là những khó khăn nội tại do Yên Bái là tỉnh miền núi, vị trí địa lý không thuận lợi cho mời gọi thu hút đầu tư, xa các trung tâm kinh tế, các thị trường lớn của cả nước, kết cấu hạ tầng cơ sở còn hạn chế, các khu - cụm công nghiệp mới hình thành, chậm được đầu tư hoàn thiện; nền kinh tế của tỉnh có điểm xuất phát thấp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ, thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường yếu...

Nguyên nhân khách quan là tình trạng lạm phát và những mặt trái của những giải pháp kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến ngành công thương. Lạm phát đã đẩy chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao, hầu hết giá các loại nguyên, nhiên liệu chính đầu vào đều tăng, nhất là nhiên liệu, năng lượng như điện, xăng dầu, than, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển tăng mạnh... trong khi giá bán đầu ra không tăng tương xứng còn thị trường lại bị thu hẹp.

Ông Vũ Thanh Nghị - Phó giám đốc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái cho biết:"Lãi suất ngân hàng và nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào tăng  gấp 3 lần, trong khi giá sản phẩm không tăng là nguyên nhân  dẫn đến có thời điểm doanh nghiệp phải dừng sản xuất cả tháng trời".

Bên cạnh đó, các chính sách và giải pháp của Chính phủ cũng tác động ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Trưởng phòng Hành chính -  Quản trị Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K có tổng vốn đầu tư 13 triệu USD với trên 300 lao động - Trần Ngọc Hùng bày tỏ: Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư từ năm 2006 đến năm 2008, chính thức đi vào khai thác, đá block và một số sản phẩm khác.

Cùng với những tác động của suy thoái kinh tế, Chỉ thị 02 của Chính phủ đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi qui định không được xuất sản phẩm khoáng sản thô.

Có thể nói, việc cấm xuất khoáng sản thô là chủ trương đúng, tuy nhiên việc cấm xuất đá block đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm của hàng trăm lao động doanh nghiệp chúng tôi. Có thể nói, khó khăn của doanh nghiệp được biểu hiện qua công tác rà soát trong quý I của năm nay, số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và dừng hoạt động chiếm 65%.

Cụ thể, ông Nguyễn Công Vạng - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay trên địa bàn có từ 35 - 40% doanh nghiệp nợ bảo hiểm, trong đó có 30% nợ từ 1 - 4 tháng, 10% nợ từ 12 đến 37 tháng. Việc nợ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động, nhất là người lao động trực tiếp do không đóng bảo hiểm y tế.

Thực tế cho thấy, khó khăn nhất của các doanh nghiệp là vấn đề vốn. Có thời gian lãi suất huy động và cho vay đều tăng cao, các ngân hàng hạn chế cho vay, tăng cường thu nợ đã làm nhiều doanh nghiệp không vay được vốn đầu tư dài hạn và ngắn hạn, dẫn tới khó duy trì sản xuất ổn định, kéo dài tiến độ đầu tư các dự án, nhất là với hầu hết các doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào vốn vay, nhưng có nghịch lý là khi có vốn và lãi suất cho vay đã hạ nhưng doanh nghiệp lại khó tiếp cận vì thủ tục cho vay rất ngặt nghèo.

Chia sẻ về khó khăn đó, ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh: Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt âm 0,1%, trong đó riêng Yên Bái tăng 3%, điều đó cho thấy các tổ chức tín dụng Yên Bái đã mở rộng cho vay vốn.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, chính sách tín dụng đã từng bước được Chính phủ nới lỏng hơn, lãi suất cho vay đã giảm. NHNN tỉnh Yên Bái sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt việc cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại cho phù hợp, trong đó cần đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm - ông Thu cho biết thêm.

Để  hoàn thành mục tiêu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.900 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 40 triệu USD, tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp mạnh dạn phát biểu những khó khăn và những khó khăn, vướng mắc đã được các ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh hết sức chia sẻ, tháo gỡ với tinh thần trách nhiệm cao.

Vì vậy, cùng với những giải pháp mà ngành công thương đã đề ra trong đó có những nội dung triển khai các chính sách vĩ mô của Chính phủ, phát biểu với các doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp trả lời những thắc mắc của từng doanh nghiệp đang gặp phải.

Để giải quyết khó khăn đó, đối với vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô, với trách nhiệm tỉnh sẽ tổng hợp để có những kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng như: thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tài nguyên - môi trường... với chức năng, nhiệm vụ được giao có những việc làm cụ thể trong việc tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. 

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ tình hình khó khăn để cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, trong đó cần chủ động, tích cực bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chủ trương, định hướng của tỉnh đối với doanh nghiệp để từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh của mình; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ  hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Huy động vốn bằng nhiều hình thức để tăng vốn điều lệ, vốn pháp định; linh hoạt trong sản xuất tìm kiếm các hợp đồng gia công, ứng vật tư, thanh toán bằng sản phẩm; khắc phục ảnh hưởng của việc tăng giá vật tư qua đẩy mạnh hoạt động cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất kinh doanh, rà soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật nhằm tiết kiệm các yếu tố đầu vào.

Tổ chức lại sản xuất, giảm hoạt động vào giờ cao điểm, cắt giảm điện cho những hoạt động và máy móc không cần thiết để tiết kiệm điện năng; tổ chức tốt công tác thu mua nguyên liệu, có phương án dự trữ nguyên liệu hợp lý nhằm chủ động duy trì, phát huy tối đa năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá sản phẩm.

Chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong tin học để tiết kiệm chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế...

Cùng với những giải pháp chung của Chính phủ như giảm lãi suất cho vay, Nghị định 13/ NQ - CP với nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp về giảm, giãn nộp thuế và đẩy nhanh thực hiện giải ngân đầu tư vốn..., "Buổi gặp mặt các doanh nghiệp của chính quyền tỉnh Yên Bái đã tạo động lực giúp doanh nghiệp có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển, tiếp tục có đóng góp vào sự phát triển chung" - ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hùng Đại Sơn ( Lục Yên) cũng như nhiều doanh nghiệp có mặt bày tỏ.

Theo YBĐT

Tin liên quan