Bạn đang ở đây

Văn Chấn đẩy lùi chè “bẩn”

21/05/2012 11:36:33

Văn Chấn là  địa phương có vùng chè nguyên liệu rộng 4.300 ha, trong đó có trên 3.800 ha chè kinh doanh, còn lại là diện tích đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản gồm các giống: LDP1, LDP2, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, chè Shan tuyết, chè trung du.

Với diện tích lớn nhất tỉnh, sản lượng chè búp tươi của Văn Chấn cũng chiếm tới gần 50% sản lượng toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện dấu hiệu của việc chế biến chè phẩm cấp thấp khiến cho chất lượng sản phẩm chè của Văn Chấn vốn chưa khẳng định được thương hiệu trên thương trường lại gặp thêm những bất lợi. Điều này khiến cấp ủy, chính quyền địa phương, Văn Chấn phải tích cực đấu tranh đẩy lùi nạn chè “bẩn”.

Tình trạng chế biến chè phẩm cấp thấp đã xuất hiện trên địa huyện Văn Chấn từ vài năm về trước, khi một số cơ sở đã sản xuất chế biến chè vàng xuất đi Trung Quốc. Đến niên vụ sản xuất năm 2011, lực lượng quản lý thị trường huyện Văn Chấn đã phát hiện được một số cơ sở chế biến chè “bẩn” là chè pha trộn nhiều loại tạp chất.

Đầu niên vụ 2012, trên địa bàn huyện lại bắt đầu xuất hiện một loại chè xấu được gọi là chè đầu cành tức là loại búp mù của lứa chè xuân. Nguyên nhân của việc sản xuất và chế biến những loại chè xấu, chè “bẩn” là do tình trạng bùng nổ hàng loạt các cơ sở  chế biến chè, điển hình như xã Nghĩa Tâm có tới 13 cơ sở chế biến chè; thị trấn Nông trường Trần Phú có  4 doanh nghiệp lớn, tiếp đến là các xã: Cát Thịnh, Tân Thịnh, Bình Thuận... Ngoài các cơ sở chế biến, Văn Chấn còn rất nhiều cơ sở chế biến chè “bom” tại các gia đình, khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát chất lượng.

Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường chè của các  doanh nghiệp chưa hiệu quả; công tác xúc tiến thương mại của huyện còn nhiều bất cập; các cơ sở chế biến chưa quan tâm thỏa đáng đến vùng nguyên liệu; thị trường tiêu thụ chưa bền vững; chưa quan tâm đến chiến lược xây dựng thương hiệu và đầu tư công nghệ cho chế biến sâu để có chè thành phẩm chất lượng cao.

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn còn thiếu kiểm soát như vậy, chắc chắn xảy ra hệ quả là có nhiều tư nhân, cơ sở chế biến không cần quan tâm chất lượng, uy tín của sản phẩm chè mà sẵn sàng chế biến chè xấu, chè “bẩn” để chạy theo lợi nhuận. Vì vậy, việc ngăn chặn chế biến chè phẩm cấp thấp đang là quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm đề phòng những diễn biến phức tạp trong khâu chế biến chè trên địa bàn ở niên vụ này.

Ngay từ đầu niên vụ, huyện vừa tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức vừa giao nhiệm vụ cho chính quyền các địa phương, các cơ sở chế biến tập trung làm tốt việc ngăn chặn việc chế biến chè phẩm cấp thấp; tổ chức các đoàn công tác liên ngành xuống các địa bàn vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến để kiểm tra khâu thu hái và chế biến đúng quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè ký kết không chế biến chè “bẩn”, chè xấu và không để xảy ra tình trạng ép cấp, ép giá hoặc gây khó khăn cho bà con trong vùng nguyên liệu.

Tiếp cận các xã trọng điểm chè của huyện Văn Chấn, được biết các địa phương đều thực hiện tốt sự chỉ đạo của huyện về ngăn chặn chế biến chè phẩm cấp thấp. Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho biết: “Xã yêu cầu các cơ sở chế biến trên địa bàn phải tạo cơ chế thu mua nguyên liệu thuận lợi nhất cho dân, bảo đảm về giá cả. Đồng thời, tổ chức cho 12 hợp tác xã, 1 công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến chè ký cam kết thực hiện không mua chè nguyên liệu phẩm cấp thấp; chế biến chè tuyệt đối tuân thủ quy trình kĩ thuật để bảo đảm chất lượng sản phẩm”.

Bà Trần Thị Loan - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết thêm, ngoài việc tổ chức kí cam kết với các doanh nghiệp chế biến như Nghĩa Tâm đã làm, thị trấn còn vận động nhân dân chủ động phát hiện các cơ sở, hộ gia đình có hành vi sản xuất chè “bẩn”, chè phẩm cấp thấp thông báo với chính quyền địa phương xử lý kịp thời, nghiêm túc.

Cùng với các địa phương, một số doanh nghiệp cũng tham gia tích cực vào việc ngăn chặn chế biến chè xấu, chè “bẩn”, điển hình là như Công ty cổ phần Chè Liên Sơn. Ngay từ đầu vụ, Công ty đã cử nhiều đoàn công tác phối hợp với chính quyền các xã đi xuống vùng nguyên liệu và tiếp cận một số cơ sở chế biến nhỏ của tư nhân.

Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở chè “bom” của tư nhân tuy không phát triển thêm nhưng có hiện tượng lấn chiếm vùng nguyên liệu của Công ty và mua nguyên liệu phẩm cấp thấp (chè đầu cành) để chế biến. Công ty đã cùng chính quyền địa phương kịp thời có biện pháp tuyên truyền giải thích nhằm ngăn chặn hoạt động này.

Bên cạnh những giải pháp trước mắt, huyện Văn Chấn xác định giải pháp lâu dài phải tập trung đẩy mạnh cải tạo và trồng mới vùng nguyên liệu bằng những loại chè giống mới năng suất, chất lượng cao. Bởi lẽ, trong số 4.300 ha chè của huyện còn có trên 2.000 ha chè già cỗi năng suất thấp, trồng từ những năm 1960, 1970 đều là giống chè trung du để chế biến chè đen xuất sang thị trường Đông Âu.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở chế biến tăng cường đầu tư công nghệ để chế biến sản phẩm chất lượng cao thay cho công nghệ chế sản phẩm cũ kĩ hiện tại và chủ yếu chế biến chè bán thành phẩm. Theo đó, cần tập trung mạnh vào chiến lược xây dựng thương hiệu. Có như vậy, Văn Chấn mới đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.

Theo YBĐT

Tin liên quan