Bạn đang ở đây

Thụy Sĩ và Việt Nam ký kết thỏa thuận song phương khoản viện trợ không hoàn lại 2,43 triệu USD cho Dự án Phát triển Năng lượng T

10/09/2011 16:54:07
Dự án Phát triển Năng lượng Tái tạo (REDP) được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương là cơ quan điều phối thực hiện có mục dích tăng cung cấp điện vào lưới điện quốc gia từ các nguồn năng lượng tái tạo trên cơ sở bền vững về tài chính, môi trường và xã hội. Ước tính có khoảng 15-20 tiểu dự án đầu tư tư nhân sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được vay vốn từ Dự án REDP thông qua các ngân hàng thương mại.
 
Dự án bao gồm 3 hợp phần: 1) Đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo; 2) Xây dựng khung chính sách phát triển; 3) Phát triển các dự án năng lượng tái tạo tương lai. Các ngân hàng đối tác, Bộ Công Thương, các chủ đầu tư và các đối tác khác trong Dự án sẽ là các đơn vị thụ hưởng hỗ trợ về kỹ thuật hoặc tài chính khi tham gia REDP.
 
Thay mặt Chính phủ Thụy Sĩ, Cục Hợp tác Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO) trở thành đồng tài trợ cho Dự án Phát triển Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam. Sự đóng góp của Chính phủ Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ các đơn vị thực hiện nghiên cứu khả thi đối với các nguồn năng lượng tái tạo rất đa dạng bao gồm điện gió, điện mặt trời, sinh khối và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các trường đào tạo nghề cũng như các cơ quan ban ngành liên quan tại Việt Nam.
 
 Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Dự án nhằm đáp ứng nhà cầu sử dụng điện ngày càng cao của Việt Nam, mở rộng và đa dạng các nguồn phát điện và giảm lượng phát thải CO2, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác từ phía Bộ Công Thương Việt Nam và các đối tác liên quan như Cục Hợp tác Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO) trong nỗ lực chung vào sự thành công của Dự án.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo. Nhận thức được vai trò của năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ, Dự án Phát triển Năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam.
 
 Tại Lễ ký, bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ, Chủ tịch Ban hợp tác Phát triển Kinh tế của SECO đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong phát triển và tối ưu hóa sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Bà nhấn mạnh: “Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo là một trong những vấn đề ưu tiên của Chính phủ Thụy Sĩ. Nâng cao năng lực cho các cán bộ của các ngân hàng tham gia và Bộ Công Thương để rà soát và đánh giá các bộ hồ sơ đề xuất của các tiểu dự án năng lượng tái tạo và hồ sơ xin vay lại cũng như quản lý rủi ro liên quan tới những dự án này là yếu tố tiên quyết đối với sự thành công của dự án. Xây dựng khung pháp lý hiệu quả và minh bạch sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân vào Việt Nam.”
 
Khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện như gió, điện mặt trời hay sinh khối.
 
Lễ ký thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia đã đánh dấu một mốc quan trọng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam (1971-2011). Đồng thời khẳng định thêm cam kết của Thụy Sĩ về việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Hợp tác phát triển kinh tế.
 
Kể từ khi ký Hiệp định Thương mại năm 1993, Thụy Sĩ luôn hỗ trợ song phương cho Việt Nam với mục tiêu chung là góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển kinh tế bền vũng. Việt Nam là một trong các quốc gia ưu tiên của Cơ quan hợp tác phát triển Kinh tế Thụy Sĩ trên toàn thế giới, vì thế một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa Thụy Sĩ – Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ của Cục Hợp tác Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO) tập trung vào thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, một môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển khu vực tư nhân, các chính sách thương mại bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản.
 
Vụ Năng lượng

Tin liên quan