Bạn đang ở đây

Chè kém búp: Điệp khúc “trên “đau,” dưới “đói”

25/06/2013 15:20:48

Chính vụ rồi mà vùng chè Hưng Khánh vắng ngơ vắng ngắt, đi mấy đồi mới gặp được bà Nguyễn Thị Mận ở Mỹ Hưng. Bà bảo: “Thấy chè được giá quá nên tôi lên bòn cố được gần hai chục cân bán kiếm ít tiền. Lẽ ra đến thời điểm này là phải hái được ít nhất ba lứa, chuẩn bị hái lứa thứ tư nhưng nhà tôi và rất nhiều nhà khác mới thu được lứa thứ hai. Mà gọi là lứa thôi chứ mỗi lứa chỉ bằng một phần, phần tư năm trước”.

Chồng bà Mận thêm vào: “Không hiểu lý do gì mà chè không nảy búp hoặc có nảy ra lại xòe ngay, không kịp hái sẽ bị cháy rồi là xoăn tít, búp rụt lại. Bà con hoang mang lắm, chưa biết có cách gì khắc phục. Khối nhà từ đầu năm đến giờ mới thu được mỗi lứa chè xuân”.

Đi dọc tuyến quốc lộ 37 và cả những tuyến đường liên thôn, liên xã ở Hưng Khánh vẫn có những điểm thu mua chè tươi nhưng mỗi điểm chỉ thu mua được vài tạ, điểm nhiều nhất cũng chỉ mua được hơn tấn. Chiều đến, xe tải chạy nhông nhông đi gom chè cho các nhà máy song không ít xe đến tối đêm mới được lưng thùng hàng.

Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh - ông Nguyễn Quốc Minh không nói mạnh và cương quyết như phong cách vốn có mà giọng trầm lắng hẳn khi đánh giá về vụ chè 2013: “Chè kém búp lắm anh ạ! Anh em chúng tôi rất lo, hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu sống nhờ cả vào cây chè”.

Toàn xã Hưng Khánh có 260,4ha chè kinh doanh với năng suất khoảng 9 tấn/ha/năm. Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Vị thế của cây chè và ngành nghề sản xuất, kinh doanh chè rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Do đặc thù địa hình, đất đai nên cây chè tập trung ở các thôn 7, 8, 9, 10 vì đây là các thôn ít ruộng nước, dân số đông, chủ yếu là người Kinh quê gốc Nam Định chuyển cư lên xây dựng vùng kinh tế mới. Nghĩa là khi chè thất bát sẽ có cả trăm hộ dân, cả nghìn nhân khẩu ở một khu dân cư thiếu việc làm, kém thu nhập. Chè kém búp ai cũng xót, nhất là khi giá chè búp tươi loại thường đã lên tới hơn 4.000 đồng/kg, chè đẹp khoảng 5.000 đồng.

Nếu là chè giống mới LDP 1, LDP 2 thì giá lên tới gần 6.000 đồng một cân, đặc biệt chè búp tươi giống Bát Tiên thì thương lái vào tận vườn thu mua giá 12.000 đồng/kg… Điều mà ai cũng biết sở dĩ chè năm nay rất kém vì cũng như một số vùng chè trong tỉnh vài năm gần đây, lại điệp khúc, “trên “đau”, dưới “đói” .

Đây là nhận định không mới và chắc chắn đúng. Suốt mấy năm qua, người làm chè không bón phân, nếu có bón cũng chỉ bón đạm, trường hợp bón hóa chất lạ, dùng thuốc kích thích cho chè ra nhanh, ra nhiều búp cũng không phải là hiếm. Kỹ thuật chăm sóc chè được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn kỹ lưỡng lắm, bà con mình hiểu cả đấy nhưng không mấy ai áp dụng.

Chỉ riêng chuyện trồng cây cốt khí để tạo bóng mát cho chè như những nương chè mô hình năng suất, chất lượng cao ở Văn Hưng, Liên Sơn hay ở các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang… cũng không thấy xuất hiện ở Hưng Khánh. Dưới thì rất “đói” trên lại rất “đau”, kỹ thuật hái san trật, búp chè đạt tiêu chuẩn một tôm, hai, ba lá giờ thành “chuyện cổ tích”.

Chè phải đợi cho dài đến gang tay rồi mới dùng máy, dùng liềm cắt phẳng; đến cuối vụ thu cả lá già đem về chế biến thì cây chè lấy đâu ra lá để quang hợp nuôi thân, nuôi lứa chè, vụ chè tiếp theo... Người dân đổ lỗi cho giá phân bón quá cao, giá chè quá thấp nên làm chè kém hiệu quả. Giờ thì giá phân bón không tăng, giá nhân công vẫn vậy trong khi giá chè đã tăng thêm 500 đến 700 đồng/kg, có loại còn tăng hơn nữa sao bà con không đầu tư để gỡ lại lúc thua thiệt? Lãnh đạo xã Hưng Khánh thừa nhận với giá chè như hiện nay, người dân đã sống khá, ít nhất là “dễ thở” hơn.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để xã chỉ đạo việc thâm canh tăng năng suất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới theo tiêu chuẩn VietGAP và nhất là cải tạo những nương chè già cỗi, giống cũ bằng giống lai LDP1, LDP 2 và giống đặc sản Bát Tiên. Theo ghi nhận của chúng tôi, những nương chè kém búp, không ra búp và bị cháy đều thuộc các giống trung du, còn lại những giống như LDP 1, LDP 2 và Bát Tiên đều phát triển rất tốt, ra búp nhiều và chất lượng ổn định. Điều này càng khẳng định không phải do yếu tố thời tiết nắng nóng hay mưa a xít gì đó như nhiều người vẫn nói mà nguyên nhân chính là chăm sóc thì hạn chế thu hái lại “hủy diệt”.

Rất nhiều người tâm huyết với cây chè Hưng Khánh đều cho rằng, nguyên nhân của tình trạng “trên “đau”, dưới “đói”,  chính là nạn chè “bẩn”. Các ngành chức năng phải ngăn chặn quy trình sản xuất và những nhà buôn thứ chè này bằng các biện pháp mạnh và dài hơi thì cây chè mới tốt tươi trở lại, các nhà máy mới sản xuất ổn định, thương hiệu chè Yên Bái mới được khẳng định. Nếu vẫn cứ đấu tranh với nạn chè “bẩn” một cách hời hợt để rồi mỗi ngày vẫn có cả trăm tấn chè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngang nhiên được vận chuyển đi tiêu thụ thì Hưng Khánh và nhiều vùng quê khác cũng vẫn sẽ tiếp diễn những mùa chè ảm đạm, thất bát như vụ chè này.

Theo YBĐT

Tin liên quan