Bạn đang ở đây

Yên Bái: Thực trạng và hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng

20/09/2013 12:55:42

Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm... Kế hoạch năm 2013, tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại. Trong đó, trồng mới 1.600 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng 13.400 ha rừng sản xuất. Khai thác 300.000m3 gỗ các loại; 120.000 tấn tre, nứa vầu. Hiện tỉnh Yên Bái đang khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến gỗ hiện đại tại các huyện có diện tích rừng lớn như Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình,... để sản xuất một số loại sản phẩm như ván ghép thanh, đồ gỗ gia dụng,...

Trong sự phát triển mạnh của ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng, vẫn phảng phất những nỗi lo! Những người trong nghề chế biến gỗ đều hiểu, làm nghề chế biến gỗ là phó thác sự nghiệp vào thị trường. “Thị trường bảo làm cái gì, ta làm cái ấy. Thị trường đặt giá bao nhiêu, ta bán bấy nhiêu và thị trường không mua nữa, ta đóng cửa!”..., rất nhiều chủ xưởng chế biến nói như vậy. Đó là một thực tế đáng suy nghĩ khi ngành nghề chế biến gỗ của chúng ta quá nhỏ lẻ, không có tiếng nói chung và không có sản phẩm chế biến sâu.

Công nghệ chế biến đơn giản, chủ yếu các doanh nghiệp mua máy xẻ, nhất là máy bóc, mỗi chiếc vài chục triệu đồng của Trung Quốc về làm. Một số ít mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh… nhưng do vốn ít nên cũng chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp, công nghệ chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra cũng vẫn ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác. Một nguyên nhân không thể không nhắc tới, giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Yên Bái đang ăn nên làm ra đó là các chính sách kích cầu của Chính phủ và của tỉnh.

Lãi suất thấp, thuế được nợ, miễn, giảm… đã là cú hích thực sự giúp các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng vượt qua khó khăn và vươn lên. Như vậy, thử hỏi khi các chương trình kích cầu của Chính phủ và của tỉnh kết thúc thì các doanh nghiệp sẽ làm ăn thế nào? và câu trả lời cho bài toán “hậu” kích cầu vẫn chưa có lời giải. Một giám đốc công ty chế biến gỗ thừa nhận, làm gỗ phải rất dài vốn, có khi phải đặt tiền cho bà con khi gỗ vẫn đứng trên rừng. Mua rồi khai thác xuống, cắt đúng quy cách, rồi bóc, phơi, tẩm ướp, ép… thành phẩm mới mang hàng đi bán, bán rồi có khi họ lại nợ tiền.

Trong khi vốn cho một nhà máy công suất 10 m3 gỗ/ngày cũng khoảng trên 6 tỷ đồng mà các doanh nghiệp, các hợp tác xã của ta đều từ kinh tế hộ mà thành. Nhìn lại “bức tranh chế biến gỗ” ở Yên Bái  thì xẻ thanh và ván ép giữ “vai trò” chủ đạo. Huyện Trấn Yên là một thí dụ, trong 70 cơ sở chế biến gỗ của địa phương có diện tích rừng trồng, sản lượng gỗ gần như nhất tỉnh thì đại đa số các cơ sở là làm gỗ bóc và xẻ nan làm bao bì. Nguyên nhân là do đầu tư một máy bóc của Trung Quốc không nhiều tiền, tận thu tối đa được lõi gỗ và thị trường ban đầu rất dễ tính. Tuy  nhiên, giá trị của 1 m3 ván bóc từ 2 - 2,2 triệu đồng, còn 1 m3 ván ép từ 6 - 6,5 triệu đồng. Theo tính toán thì khoảng 1,2 m3 ván bóc sản xuất ra 1 m3 ván ép. Như vậy, lợi nhuận của việc sản xuất những sản phẩm như ván ép hay ghép thanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất ván bóc.

Hướng phát triển cho ngành chế biến gỗ ở Yên Bái lúc này là cần đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn, tiết kiệm được nguyên liệu (hiện nay nguyên liệu sau chế biến là các phế phẩm, phần lớn các doanh nghiệp đốt bỏ gây lãng phí lớn và ô nhiễm môi trường); cần tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới; cần đẩy mạnh việc đào nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến và đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Có thể khẳng định, trên 99% cán bộ, công nhân đang trực tiếp làm việc trong các cơ sở chế biến gỗ ở Yên Bái chỉ qua các lớp tập huấn ngắn ngày hoặc cầm tay chỉ việc rồi tiếp quản máy móc thiết bị, công nghệ.

Đối với người trồng rừng, cần đánh giá đúng nhu cầu của thị trường để lựa chọn giống cây cho phù hợp, tránh tình trạng thấy keo đắt thi nhau trồng keo, thấy bạch đàn mô mau lớn lại thi nhau trồng và hiện nay bồ đề làm nguyên liệu chế biến đũa xuất khẩu rất khan hiếm, giá đắt đỏ lại chuyển sang trồng bồ đề… Mặt khác, người dân không nên bán “non” rừng trồng vì thực tế thân cây gỗ càng to,  giá càng đắt, nhiều cơ sở chế biến gỗ sẵn sàng mua gỗ có chu vi thân trên 100 cm với giá trên 2 triệu đồng/m3 mà không có, trong khi người dân lại vội khai thác gỗ khi cây mới có chu vi thân 30 – 40 cm.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, định hướng, không để việc xây dựng các nhà xưởng chế biến gỗ với công nghệ lạc hậu phát triển một cách ồ ạt, tập trung tại một điểm. Sở Công Thương Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến công. Giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất cúng như tính cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Có vùng nguyên liệu ổn định và phong phú, có công tác quản lý, quy hoạch của các cấp, các ngành và nhất là có sự đầu tư chiều sâu của các doanh nghiệp từ công nghệ, con người lẫn thị trường thì nghề chế biến gỗ rừng trồng sẽ tiếp tục thành công, mục tiêu đạt giá trị 350 tỷ đồng vào năm 2015 hoàn toàn có thể vượt.

Nguồn: Phòng QLCN

Tin liên quan