Bạn đang ở đây

Yên Bái hướng đến nền sản xuất hiệu quả, bền vững

14/11/2013 10:18:35

Trong suốt 68 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ngành NN&PTNT Việt Nam đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, có bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một đất nước thiếu lương thực, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cà phê, cao su và thủy sản.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2012 đạt trên 27,5 tỷ USD và trong 10 tháng của năm 2013 ước đạt trên 22,7 tỷ USD, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Tất cả các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản đều có bước phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn không ngừng được đầu tư xây dựng, đáp ứng cho sản xuất. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm theo từng năm và có bước phát triển nhanh, bền vững.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành NN&PTNT cả nước, ngành NN&PTNT tỉnh Yên Bái cũng đã có những bước phát triển không ngừng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp thuần nông, sản xuất tự túc tự cấp, nay Yên Bái đã và đang trở thành một tỉnh có nền nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; diện tích cây trồng, năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đều tăng. Từ chỗ chỉ cấy 1 vụ lúa nay đã tăng lên 2 vụ, 3 vụ; từ sản xuất dựa vào kinh nghiệm nay đã đầu tư thâm canh, đưa các giống mới vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác nên năng suất lúa, ngô tăng trưởng khá. Năng suất lúa ruộng 2 vụ từ 3 - 3,5 tấn/ha đã tăng lên 5 tấn/ha năm 1990 và đến nay đã đạt trên 11 tấn/ha; tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 284.900 tấn, tăng 2,2 lần so với năm 1990. Từ mấy chục héc-ta chè quốc doanh nay đã mở rộng thành vùng chè trên 11.200ha, trong đó có 10.225ha chè kinh doanh, sản lượng thu hái đạt 91.000 tấn.

Yên Bái đã xây dựng được một hệ thống các công ty, cơ sở chế biến chè quy mô, đồng bộ gắn với vùng nguyên liệu, sản lượng chế biến hàng năm đạt trên 20.000 tấn chè khô các loại. Vùng cây ăn quả với diện tích trên 6.600ha, sản lượng quả đạt trên 33.000 tấn; đã hình thành vùng cây ăn quả tương đối tập trung như: vùng nhãn, cam Valenxia ở huyện Văn Chấn; vùng bưởi Đại Minh ở huyện Yên Bình; vùng cam, quýt, hồng ở huyện Lục Yên.

Rừng và kinh tế đồi rừng đã phát huy hiệu quả rõ nét, bình quân mỗi năm trồng mới từ 13.000 - 15.000ha rừng; tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng sản xuất đạt trên 35%, bước đầu đã chú trọng thâm canh rừng; đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 48,63% năm 2005 tăng lên 60% năm 2012 và năm 2013 dự kiến đạt 61,2%. Sản lượng khai thác đạt 300.000 - 350.000m3 gỗ rừng trồng, 120.000 tấn nguyên liệu giấy. Chăn nuôi thủy sản phát triển khá rõ nét. Giai đoạn 2010 - 2013, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính hàng năm đạt từ 3% - 5%; sản lượng thịt hơi gia súc chính hàng năm đạt từ 20.000 -26.000 tấn.

 

68 năm xây dựng và trưởng thành, ngành NN&PTNT tỉnh Yên Bái đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; nhiều năm được tặng cờ, bằng khen của Chính phủ, của các bộ, của UBND tỉnh. Nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước tặng huân chương lao động, bằng khen của Chính phủ, đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc và bằng khen của Bộ, tỉnh.

Song song với phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng cho sản xuất. Toàn tỉnh có trên 3.400 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, trong đó có những công trình thủy lợi lớn như: Từ Hiếu, Noong Phai, Ngòi Nhì… đảm bảo chủ động nước tưới cho trên 85% diện tích lúa 2 vụ.

 

Công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở kỹ thuật, sản xuất giống của ngành kinh tế giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, ngành đề xuất và có sự quan tâm, ủng hộ của tỉnh nên đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng qui mô các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi như: nâng cấp Trại Giống lúa Đông Cuông, Trại Giống lúa Nghĩa Lộ; nâng cấp Trại cá giống Nghĩa Lộ, đầu tư xây dựng Trại cá giống Yên Bình và đầu tư xây dựng Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao.

Ngành phối hợp với các huyện, thị chỉ đạo nông dân tập trung sản xuất hàng hóa và đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm sản tập trung với quy mô lớn như: vùng sản xuất lúa hàng ngàn héc-ta ở cánh đồng Đại - Phú - An (Văn Yên), cánh đồng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Văn Chấn), cánh đồng Mường Lai (Lục Yên)…; vùng ngô hàng hóa hàng ngàn héc-ta ở huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên; vùng sắn công nghiệp hàng ngàn héc-ta ở huyện Văn Yên, Yên Bình; các vùng sản xuất chè; vùng cây ăn quả; vùng cây nguyên liệu giấy, vùng quế, vùng tre măng Bát Độ…

Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh Yên Bái đã khởi sắc. Yên Bái đã hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, huyện và cấp xã (152/152 xã đã được phê duyệt đồ án), đảm bảo theo kế hoạch, lộ trình của chương trình đề ra; đã xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai chương trình và đã xuất hiện nhiều điển hình trong việc tham gia, vận động đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động đối với các chương trình xã hội hóa để cùng các nguồn vốn hợp tác khác đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.

Tổng nguồn vốn đầu tư trong 3 năm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái khoảng 2.142 tỷ đồng. Đến nay, đã có 1 xã đạt 18 tiêu chí, chiếm 0,66%; 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chiếm 6,6%; 49 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, chiếm 39,5%; 92 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 60,5%.

Tiếp tục phát huy truyền thống, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của cả tỉnh, ngành NN&PTNT tỉnh Yên Bái đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn, nhất là người nghèo; bảo vệ, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp bình quân 5,4%/năm; tỷ trọng nông, lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm xuống còn 25%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,5%; có từ 15% - 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 85% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đổi mới thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh phát triển thủy lợi, cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững; chú trọng đào tạo nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy hành chính.

Đồng thời là tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh; đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi và bảo vệ, phát triển rừng, hướng đến một nền sản xuất hiệu quả, bền vững.

Phạm Văn Lái - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái

Tin liên quan