Bạn đang ở đây

Trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tiết kiệm điện và vấn đề bình đẳng giới trong ngành điện của Thụy Điển

27/11/2013 10:11:19

Để phục vụ mục đích chuyên công tác của Đoàn công tác EVN, Thương vụ đã giới thiệu tóm tắt và cung cấp các thông tin và tài liệu về: (i) tổng quan và tiềm năng hợp tác quốc tế của Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối; (ii) thị trường kinh doanh điện tại Thụy Điển và vai trò của công ty truyền tải điện quốc gia; (iii) sơ đồ tổng quát hệ thống lưới điện khu vực Bắc Âu cập nhật năm 2013; và (iv) thực trạng cách tiếp cận vấn đề bình đẳng giới của Thụy Điển.

Trong chương trình công tác, Đoàn đã gặp và làm việc với Cơ quan Năng lượng Thụy Điển (SEA), là cơ quan quốc gia thực hiện những chính sách về năng lượng của Thụy Điển. Tại buổi làm việc, bà Josefin Bahr, chuyên gia phụ trách hợp tác quốc tế đã trình bày về tổng quan ngành năng lượng Thụy Điển; các chính sách, biện pháp tiết kiệm năng lượng của nước này đối với các ngành công nghiệp, giao thông, chiếu sáng và sưởi ấm nhà cửa trong điều kiện đặc tính thời tiết của Thụy Điển có mùa đông dài, lạnh và nhanh tối.

Các chuyên gia của SEA gồm ông Verner Jankevics và ông Philip Thörn cũng đã giới thiệu về các chương trình hợp tác tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long do phía Thụy Điển thực hiện, trong đó có dự án điện trấu ở tỉnh An Giang do SEA và Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ; giới thiệu về giai đoạn chuyển giao mở rộng hợp tác với Trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh về sử dụng năng lượng sinh khối.

Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao và xuất khẩu các công nghệ xanh,sạch (Greentech/Cleantech). Mô hình phát triển năng lượng của Thụy Điển luôn gắn liền với mô hình phát triển kinh tế của đất nước là: hướng tới phát triển bền vững về sinh thái, tính cạnh tranh quốc tế thông qua việc phát triển công nghệ xanh,sạch, bảo đảm an ninh năng lượng, và vì lợi ích của người tiêu dùng. Phương châm phát triển năng lượng của Thụy Điển là năng lượng cần phải sănc có với mức giá cạnh tranh và việc phát triển năng lượng phải được thực hiện theo phương pháp ít gây ra tác động tiêu cực nhất đến con người và môi trường. Với tuân chỉ đó, trong hơn 20 năm qua, khi GDP của Thụy Điển đã tăng lên gấp rưỡi, tốc độ phát triển của ngành năng lượng lại giảm đi một nửa. Việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất thép, giấy, luyện kim, hóa chất... là hệ quả căn bản dẫn đến kết quả này.

Trong cơ cấu năng lượng cơ bản của Thụy Điển, năng lượng từ nguồn dầu mỏ và than đã giảm đi đáng kể còn 3,1%, trong khi đó năng lượng nguyên tử, sinh khối (biomass-fired combined heat & power - CHP), điện gió, và khí tự nhiên tăng lên, lần lượt chiếm tỷ trọng 38%, 10%, 4% và 1% trong tổng sản lượng điện 161,3 TWh năm 2012; thủy điện vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, chiếm 48%. Tiêu biểu cho thành công trong kinh nghiệm và nghiên cứu công nghệ phát triển năng lượng tái tạo của Thụy Điển là phát triển năng lượng sinh học, được sản xuất từ các nguồn sinh khối lấy từ rừng, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt. Năng lượng sinh học có những ưu điểm chính làm giảm khí thải CO2, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch (dầu mỏ và than), sử dụng lao động địa phương tạo ra công ăn việc làm, ổn định và giảm chi phí năng lượng về trong dài hạn. Hiện nay Thụy Điển có 84 nhà máy CHP trên toàn quốc với tổng công suất lắp đặt là 2,571 MW, trong đó có 20 nhà máy sử dụng rác thải thành phố. Các nhà máy này cung cấp điện và nhiệt cho các ngành công nghiệp và hệ thống nước nóng để sưởi ấm thành phố. Các công ty của Thụy Điển có thể cung cấp công nghệ xây dựng các nhà máy điện sinh học hiệu quả với quy mô vừa và nhỏ từ khâu sản xuất máy phát điện, lắp đặt hệ thống dẫn điện đến quy trình xử lý rác thải để phát điện.

Thụy Điển đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu đạt các mục tiêu về năng lượng tái tạo do Liên minh Châu Âu (EU) đặt ra cho đến năm 2020. Cụ thể, ngành năng lượng của Thụy Điển đã đặt ra các mục tiêu phát triển như sau: (i) trong giai đoạn 2008-2012: giảm phát thải khí nhà kính 4% so với mức năm 1990; (ii) đến năm 2020: giảm phát thải khí nhà kính 40% trong khu vực phi thương mại khí thải, (iii) đến năm 2020: không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm, (iv) đến năm 2020 đạt tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo là 50% tổng năng lượng(hiện nay Thụy Điển đã đạt tỷ lệ 49%); (v) đến năm 2030: phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và (vi) đến năm 2050 hệ thống cung cấp năng lượng sẽ không có khí thải nhà kính ra ngoài hệ thống. Để đạt những mục tiêu này, Thụy Điển đã sử dụng các công cụ chính sách chính là: (i) thuế năng lượng áp dụng từ những năm 1950s, (ii) tăng giá năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, đặc biệt là thời kỳ khủng khoảng dầu mỏ những năm 1970s, (iii) áp dụng thuế CO2 từ năm 1991 để giảm nhiên liệu hóa thạch, chuyển thành thuế năng lượng xanh vào năm 2001, (iv) cấp giấy chứng nhận điện xanh vào năm 2003, (v) mua bán khí thải vào năm 2005, (vi) giảm thuế đối với năng lượng sinh học sử dụng trong ngành giao thông, (vii) đầu tư cho việc cung cấp thông tin và giáo dục, R &D. Hiện nay SEA đang có những dự án hợp tác nghiên cứu phát triển với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Nga, các tiểu vương quốc Ả rập, v.v...

Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Thụy Điển cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về các chính sách và biện pháp bảo đảm cho nữ giới có những cơ hội, quyền và trách nhiệm ngang bằng với nam giới trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Hệ thống phúc lợi xã hội bảo đảm cả hai giới có sự cân bằng trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt ngay từ năm 1974 Thụy Điển đã có chế độ nghỉ ở nhà chăm sóc con nhỏ chia đều cho cả bố và mẹ. Tùy theo lứa tuổi, bố mẹ đơn thân có quyền chỉ làm việc 75% bình thường. Theo luật định, các công ty đều có kế hoạch phát triển và phân tích chi tiết về sự bình đẳng giới, giảm thiểu những bất công liên quan đến giới tính, tôn giáo, và sắc tộc. Tỷ lệ nữ lao động trong lĩnh vực hành chính công, môi trường và năng lượng đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua.

Nguồn: Moit.gov.vn

Tin liên quan