Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 25/11 đến ngày 29/11/2013

02/12/2013 11:13:09

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp đoàn công tác Phòng Thương mại Cam-pu-chia

Ngày 26/11, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tiếp và làm việc với đoàn công tác Phòng Thương mại Cam-pu-chia do Chủ tịch Kith Meng làm trưởng đoàn sang trao đổi về một số nội dung hợp tác song phương và xin nhập khẩu phân bón từ Việt Nam.

Trong cuộc gặp này, Chủ tịch phòng Thương mại Cam-pu-chia bày tỏ mong muốn xin nhập khẩu phân bón từ hai doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam là Công ty phân bón Cà Mau và Công ty phân bón Phú Mỹ. Đồng thời, ông Kith Meng cũng mong muốn được ký kết thỏa thuận về hợp tác phân bón với 2 công ty Việt Nam nhân dịp Thủ tướng Hun Sen sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam vào cuối năm 2013.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hoan nghênh đoàn công tác của Phòng Thương mại Cam-pu-chia đã tới Bộ Công Thương làm việc và đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp phân bón Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định Cam-pu-chia luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, không chỉ cùng là thành viên của ASEAN mà còn có mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống lâu đời. Với quan hệ tốt đẹp lâu đời đó, Bộ trưởng ủng hộ trên tinh thần đối với việc hợp tác của doanh nghiệp Cam-pu-chia với 2 nhà máy phân bón của Việt Nam. Tuy nhiên, do phân bón là mặt hàng cần quản lý của cơ quan Trung ương, Bộ trưởng đã giao các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phối hợp với 2 công ty phân bón Cà Mau và Phú Mỹ tính toán lượng phân bón nhằm đảm bảo cân bằng giữa việc phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu, thông báo cho phía Cam-pu-chia số lượng có thể xuất khẩu để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.

Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết gia nhập WTO

Ngày 28/11/2013, Hội thảo giới thiệu kết quả Phiên rà soát chính sách thương mại (RSCSTM) đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đã được tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Đại sứ -Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen đồng chủ trì Hội thảo.

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (11/1/2007) đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới về mở cửa thị trường; công khai minh bạch hóa, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng; thủ tục hành chính cũng đang được đơn giản hóa...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, tại phiên rà soát diễn ra vào tháng 9 vừa qua, các thành viên Tổ chức thương mại thế giới đã đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động thực hiện tự do hóa thương mại trên cả 3 bình diện đa phương, khu vực và song phương. Việt Nam đã hết sức nỗ lực để cải cách thể chế kinh tế, chính sách thương mại theo hướng ngày càng phù hợp hơn với luật lệ của Tổ chức thương mại thế giới. Đồng thời, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo và quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực, kinh tế thế giới, để trở thành một nền kinh tế ngày càng năng động.

Ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu cho rằng, bên cạnh những thành tựu ấn tượng, Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn. Đó là, Chính phủ và các cơ quan cấp cao của Việt Nam rất quyết tâm trong việc thúc đẩy và thực thi những cam kết WTO, nhưng càng triển khai xuống các cấp, các địa phương thì càng mờ nhạt. Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành trong việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính, ngân hàng. Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen cũng nhấn mạnh:“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, thông qua Dự án EU MUTRAP, để giải quyết những thách thức được nêu ra trong phiên RSCSTM đầu tiên này. Đây cũng là những vấn đề mang tính quyết định để Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU ký kết trong tương lai được thực thi hiệu quả”.

Hội thảo APEC về Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội thảo APEC về Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới được khai mạc với mục tiêu tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia nghiên cứu trong việc xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Diễn ra trong hai ngày 27 và 28/11, Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các nền kinh tế thành viên APEC và nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ngành, Viện Nghiên cứu, trường Đại học của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), năm 2010, tại Yokohama (Nhật Bản), các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Chiến lược Tăng trưởng APEC, trong đó ghi nhận việc APEC cần nâng cao chất lượng tăng trưởng một cách toàn diện và đồng bộ. Cũng trong giai đoạn đó, nhiều nền kinh tế thành viên APEC nhận thấy đã đến lúc cần thay đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng điều chỉnh lại cơ cấu lực lượng lao động, cung – cầu quốc gia, cơ cấu ngành v.v. để có thể tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững. Thực hiện chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC, cùng với áp lực trong nước, nhiều thành viên APEC đã tiến hành chuyển đổi mô hình tăng trưởng và coi đây là giải pháp chiến lược, lâu dài, quan trọng, giúp cho các nền kinh tế APEC vượt qua khó khăn, tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh các bài trình bày của các diễn giả đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế (WB, IDB, JICA, OECD v.v.) phân tích và đánh giá tình hình xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới tại các nền kinh tế APEC và trên thế giới, Hội thảo cũng giành một phiên đặc biệt để thảo luận về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vào việc đánh giá những cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại nước ta và gợi ý một số giải pháp chính sách.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại biên giới

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác Ban Chỉ đạo Thương mại iên giới năm 2013 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thương mại biên giới thời gian qua và đề ra những giải pháp quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh vùng biên giới cũng như cơ chế đặc thù của thương mại biên giới phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân các tỉnh biên giới góp phần bảo vệ an ninh biên giới, xây dựng tuyến biên giới của Việt Nam ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành liên quan đã và đang vào cuộc, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại tại các địa bàn biên giới. Trong thời gian tới, để hoạt động thương mại biên giới đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, Ban Chỉ đạo cũng như các Bộ ngành liên quan và các địa phương cần chủ động rà soát để ký kết các hiệp định về thương mại với các nước có chung đường biên giới, chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế để tận dụng lợi thế trên từng tuyến biên giới. Đồng thời, cần thể chế hóa hoạt động thương mại biên giới bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động này được đồng bộ và hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, Ban Chi đạo cần đẩy mạnh chiến lược quy hoạch về thương mại biên giới, trước hết là xây dựng chiến lược tổng thể để tạo sự phát triển cân bằng về lợi ích giữa các bên; đồng thời cũng cần tham mưu để xây dựng cơ chế đầu tư trở lại từ ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có các chợ biên giới.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trao tặng bằng khen của Ban Chỉ đạo cho 26 tập thể và 47 cá nhân có thành tích trong việc phát triển thương mại biên giới.

Phạt tiền đến 100 triệu đồng nếu doanh nghiệp vi phạm về Thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có quy định cụ thể các chế tài đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử (TMĐT).

Theo đó, các hành vi thiết lập website TMĐT mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ TMĐT đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng. Mức phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, gian dối khi đăng ký website; giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ TMĐT. Hành vi lừa đảo khách hàng trên website TMĐT, lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh TMĐT để huy động vốn trái phép; lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh khác sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng. Đây là mức xử phạt hành chính đối với một trong những hành vi sai phạm trong lĩnh vực TMĐT do cá nhân thực hiện. Đối với các trường hợp vi phạm do tổ chức thực hiện thì mức tiền phạt gấp hai lần mức phạt này, tức là tối đa lên đến 100 triệu đồng.

Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn

Ngay sau khi Nghị định 185/2013/NĐ-CP có hiệu lực, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan để tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014. Xem chi tiết tại đây.

Nguồn: Moit.gov.vn

Tin liên quan