Bạn đang ở đây

Qua tháng 4, xuất khẩu đã hé lộ tin vui.

09/09/2011 14:58:27
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, đáng chú ý có sự đột biến trong xuất khẩu sắt thép, với kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 296 triệu USD, tăng 190,3% so với cùng kỳ trong trước. Trị số tuy nhỏ nhưng dường như đã mở ra hướng mới xuất khẩu hàng công nghiệp. Cũng có đà tăng trưởng tốt còn có cao su, 4 tháng đầu năm 2010 xuất khẩu cao su ước đạt 173.000 tấn với kim ngạch 470 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 22,9% về lượng và 141,4% về giá trị. Giá cao su xuất khẩu trung bình bốn tháng đầu năm đạt 2.640 USD/tấn, tăng 92,6% (tương đương 1.269 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Cao su VN (VRA), giá cao su tăng liên tục kể từ giữa năm 2009 đến nay do sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu trong khi nguồn cung mủ cao su thế giới giảm sút. Đơn giá bình quân mặt hàng chè xuất khẩu tăng 8,5% so với đơn giá bình quân của quý I/2009, ở mức 1,38 nghìn USD/tấn. Đây có thể nói là mức cao nhất đạt được tính từ tháng 1/2005 đến nay, tuy nhiên, giá xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 1/2 so với mặt bằng giá chung trên thế giới. Giá cà phê bắt dầu nhích lên, đỡ phân nào sự sa sút của mặt hàng này.
 
Dạo quanh các địa phương, qua 4 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu của Long An đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó lúa gạo tăng 0,6%; may mặc tăng 27,2%; giày dép tăng 19,8%; hàng thủy sản tăng 56,6%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2010 ước tính là 105,8 triệu USD, tăng 12,8% so với tháng 3/2010 và tăng 47,6% so với tháng 4/2009. Tính chung, 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 365,9 triệu USD đạt 31,3% so với kế hoạch năm và tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2009.
 
Tuy nhiên cũng vẫn lắng đọng các phân vân.
 
Vẫn có sự khập khiễng giữa hai khu vực cấu thành nền xuất khẩu Việt Nam. Trong khi xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh (31,9% nếu tính cả dầu thô, và 44,2% nếu không tính dầu thô), thì khu vực trong nước lại giảm tới 10,7% so với cùng kỳ năm trước
 
Hoạt động xuất khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu vẫn chỉ là tiểu ngạch - điều tồn tại từ nhiều năm nay. Mặc dù lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn, nhưng hầu hết đều theo hình thức xuất biên giới (không ký các hợp đồng ngoại thương), buôn bán không theo thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam thường mang hàng lên biên giới làm thủ tục xuất hàng sang Trung Quốc rồi sau đó mới tìm đối tác để bán hàng nên không chủ động trong việc tiêu thụ hàng hóa. Với kiểu buôn bán nhỏ lẻ, trao tay này, hàng hóa Việt Nam thường xuyên rơi vào cảnh bị ép giá, thừa ế.
 
Mặc dù XK thủy sản đã đạt kim ngạch khá ấn tượng, tăng 20,3% so với 4 tháng năm 2009, nhưng trong thời gian tới việc tăng kim ngạch XK thuỷ sản sẽ gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu của thị trường trong nước. Hiện sản lượng tôm chỉ đáp ứng từ 30- 50% nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến hàng XK. Không chỉ có vậy, khó khăn được xem là lớn nhất cho XK thủy sản trong năm 2010, chủ yếu vẫn là xu hướng bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật bằng các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Những ngày cuối tháng 4, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ được khách hàng trả giá 330 USD/tấn, giảm trên 100 USD so với mức giá trong tháng 2 và 3. Giá giảm do nhu cầu thị trường không nhiều, trong khi bán gạo tồn kho ở một số nước như Thái Lan vẫn khá lớn. Một DN xuất khẩu gạo tính toán, với việc mua gạo đông xuân dự trữ ở mức trung bình 7.500 đồng/kg, nay bán 330 USD/tấn sẽ bị lỗ nặng. Tuy nhiên, nếu không bán sẽ tổn thất lớn do lãi suất. Nhiều ý kiến lo ngại qua tháng 5, giá gạo sẽ tiếp tục giảm thấp. Điều này chứng tỏ rằng việc thu mua tồn trữ ra sao để doanh nghiệp không bị bán đổ bán tháo lúc giá dang xuống, là điều cần được tiếp tục quan tâm.
 
Xuất khẩu hé lộ tin vui, nhưng phía nhập khẩu lại tăng nhanh hơn phần xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2010 đạt tới 6,95 tỷ USD và tăng khoảng 3%. Tính chung, 4 tháng đầu năm 2010 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,8 tỷ USD, tăng 35,6% trong cùng kỳ so sánh. Một trong những nguyên nhân làm cho nhập khẩu tăng cao vì giá cả thế giới cũng có sự nhích lên tương ứng trong mấy tháng gần đây, đặc biệt là nhóm sản phẩm kim loại, nhiên liệu như sắt thép tăng 26%, xăng dầu tăng 3,5%, chất dẻo tăng 6,8% về giá so với tháng 1/2010.
 
Với sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng nhập khẩu gấp 4 lần so với tốc độ tăng xuất khẩu (35,6% so với 9,8%), nên nhập siêu 4 tháng đầu năm đã tới 4,65 tỷ USD, tương đương khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu. Con số này cho thấy, nhiệm vụ kiềm chế nhập siêu trong thời gian tới tiếp tục khá căng thẳng./.
 
Theo Vietrade

Tin liên quan