Bạn đang ở đây

Nên bắt đầu chi trả phí dịch vụ môi trường từ năm 2012

29/08/2012 11:23:55

Các đơn vị, doanh nghiệp thủy điện, doanh nghiệp sản xuất nước sạch nằm trong diện phải nộp phí đều thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách này đang gặp phải những khó khăn cần tháo gỡ.

Trong buổi tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng ủy thác chi trả phí DVMTR với đại diện Nhà máy Thủy điện Nậm Tục 2 và Nhà máy Thủy điện Hưng Khánh, các doanh nghiệp đều đồng tình thực hiện nộp phí.

Đại diện các doanh nghiệp đều có chung nhận thức rất rõ ràng trong việc phải có trách nhiệm đóng phí DVMTR là góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn, tạo nguồn sinh thủy, chống xói mòn và hạn chế lũ quét, lũ ống…

Quy định đóng phí với mức 20 đồng/Kwh điện và 40 đồng/m3 nước là hoàn toàn hợp lý nhưng có một vấn đề đang gây “khó khăn” cho doanh nghiệp là theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP, các doanh nghiệp phải thực hiện nộp phí tính từ năm 2011.

Ông Bùi Thanh Dân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thanh Bình nói: Việc đóng phí DVMTR là trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp vào quỹ để bảo vệ tài nguyên rừng. Mặc dù vậy, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái (FPDF) ký hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp phải đóng phí từ năm 2011 là rất khó khăn bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyết toán về tài chính của doanh nghiệp đã xong. Do đó, doanh nghiệp không lấy đâu ra nguồn để thanh toán khoản phí phải đóng trong năm 2011 và trong hạch toán sản xuất, kinh doanh không hề có phần phí này.

"Mặc dù Nghị định 99/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2011 nhưng doanh nghiệp không biết và cũng không được tổ chức nào thông báo về việc thực hiện phần đóng phí này, do đó doanh nghiệp không đưa vào hạch toán” - ông Dân cho biết.

Cũng giống như các đơn vị sản xuất, kinh doanh điện, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Yên Bái cũng đang rơi vào tình trạng như vậy.

Công ty Cấp nước Yên Bái có công suất thiết kế 11.500 m3 nước/ngày đêm, hiện khai thác đạt gần 80% công suất. Như vậy, mới mức phí DVMTR Công ty phải đóng bình quân mỗi năm là khoảng 100 triệu đồng, đây không phải là số tiền quá lớn nếu như nó được hạch toán vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Công ty phân trần: Công ty cũng vừa mới biết doanh nghiệp phải đóng phí DVMTR mấy ngày nay. Với nhận thức đóng phí DVMTR là góp phần cùng Nhà nước và nhân dân làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và chấp hành nghiêm túc việc đóng phí DVMTR theo quy định, nhưng theo tôi, việc thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP cần phải có lộ trình nhất định, chứ không thể triển khai ngay được.

Nếu cứ yêu cầu Công ty phải thực hiện thì cũng phải chịu nhưng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Trong hợp đồng ký ủy thác yêu cầu Công ty phải thực hiện đóng phí từ năm 2011, trong khi đó năm 2011, Công ty đã hạch toán kinh doanh và quyết toán tài chính với Nhà nước rồi. Nếu buộc phải thu, không còn cách nào khác là chúng tôi phải hạch toán vào năm 2012, nếu như vậy thì sẽ rất khó khăn trong điều kiện kinh tế hiện nay và nó cũng không phản ánh đúng với năm tài chính đó.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều ủng hộ và sẵn sàng đóng phí DVMTR nhằm bảo vệ rừng và cũng để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều mong muốn và đề nghị tới các cấp có thẩm quyền cho đóng phí DVMTR bắt đầu từ nằm 2012.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn Quỹ FPDF công khai việc chi trả nguồn phí này đến các đối tượng để doanh nghiệp cùng nắm được và thực hiện. 

Theo YBĐT

Tin liên quan