Bạn đang ở đây

Môi trường đầu tư ở Cuba

30/08/2011 17:46:12
Khái quát chung
 
Cuba thu hút đầu tư nước ngòai với mục tiêu tiếp cận nguồn tín dụng nước ngòai, những công nghệ tiên tiến và tìm kiếm thị trừơng trong bối cảnh những khó khăn do cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính mà Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt trong suốt hơn 50 năm qua. Theo tính toán của giới chuyên môn, cấm vận của Hoa Kỳ gây thiệt hại về đầu tư cho Cuba mỗi năm khoảng 2 tỷ USD. Cuba xác định đầu tư là một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Đặc điểm tiếp nhận đầu tư nước ngòai của Cuba là tiếp nhận một cách thận trọng và chọn lựa kỹ lưỡng các đối tác nước ngòai nhằm đảm bảo thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước cũng như bảo vệ môi trường sống. Thủ tục xin cấp phép đầu tư vào Cuba đi qua nhiều cấp quản lý khác nhau. Trước tiên, nhà đầu tư nước ngòai cần tìm kiếm một đối tác là doanh nghiệp Cuba để trao đổi về nhu cầu đầu tư và thống nhất các vấn đề liên quan để cùng nhau lập hồ sơ trình lên Bộ chủ quản của ngành muốn đầu tư. Bộ chủ quản sẽ xem xét, đánh giá về năng lực của nhà đầu tư, mức độ của dự án và các yếu tố khác. Sau đó, Cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ cùng bản đánh giá liên quan sang Bộ Ngoại Thương và Đầu tư nước ngòai. Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngòai tiến hành tham vấn ý kiến các Bộ/Ngành có liên quan về tác động của các yếu tố thuộc dự án đối với từng ngành cụ thể. Sau khi có kết quả tham vấn trên, Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngòai sẽ đưa ra đánh giá tổng thể về dự án và trình hồ sơ cùng bản đánh giá ấy lên Ủy ban Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng hoặc một Ủy ban được Ủy ban Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng chỉ định xem xét phê duyệt. Thời gian xin cấp phép cho một dự án đầu tư tùy thuộc vào lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn tham gia. Nếu là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư thì thời gian xin cấp phép sẽ ngắn hơn.
 
Khuôn khổ pháp lý ban đầu cho đầu tư nước ngòai vào Cuba là Pháp lệnh số 50, năm 1982, sau đó là Luật Đầu tư nước ngòai 77 (xem phụ lục) – năm 1995 và Thỏa thuận 5290 – năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng. Theo Luật 77 và Thỏa thuận 5290, có 6 hình thức đầu tư nước ngòai được cho phép tại Cuba:
 
Theo Luật 77/1995
 
- Công ty Liên doanh;
 
- Hợp đồng Liên kết Kinh tế Quốc tế;
 
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngòai.
 
Theo Thỏa thuận 5290/2004
 
- Hợp đồng hợp tác sản xuất hàng hóa hoặc Hợp đồng Liên kết Cung ứng dịch vụ;
 
- Hợp đồng Quản lý sản xuất và/ hoặc dịch vụ;
 
- Hợp đồng Quản lý Khách sạn.
 
Với các điều kiện thuận lợi như sự ổn định chính trị, chất lượng y tế, chất lượng lao động, 95% lãnh thổ đã được điện khí hóa và những yếu tố khác, Cuba trở thành một địa chỉ đầu tư tốt cho các doanh nghiệp nước ngòai.
 
Những lợi thế đối với nhà Đầu tư nước ngoài tại Cuba
 
- Tự do chuyển ra nước ngòai bằng đồng tiền tự do chuyển đổi mà không phải đóng thuế hoặc bất kể khỏan chi phí nào khác liên quan tới giao dịch đối với:
 
- Lợi nhuận hoặc khoản chia đạt được trong quá trình đầu tư;
 
- Các khỏan nhận được trong các trường hợp trưng thu, thanh lý hoặc kết thúc hợp tác, bán cổ phần tham gia liên doanh.
 
- Công dân nước ngòai cung ứng dịch vụ cho một Liên kết Kinh tế Quốc tế hoặc cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngòai có quyền giao dịch chuyển các khoản tiền lương nhận được ra nước ngòai.
 
Đối với các liên doanh, nhà đầu tư nước ngòai và nhà đầu tư trong nước tham gia hợp đồng Liên kết Kinh tế quốc tế, các khoản thuế sau sẽ được áp dụng:
 
- Thuế lợi nhuận: 30%;
 
- Thuế sử dụng lao động 11%;
 
- Thuế an sinh xã hội 14%;
 
Cuba đã ký 62 hiệp định Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư hai chiều với 71 quốc gia; 11 Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần.
 
Quốc gia này thành lập một danh mục các dự án thu hút đầu tư cụ thể theo dịch vực dựa trên cơ sở mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, thay thế nhập khẩu và khôi phục các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí luyện kim và công nghiệp nhẹ sản xuất các sản phẩm tiêu dùng.
 
Lợi thế về đầu tư tại Cuba
 
Nhà nước Cuba cho phép đầu tư trong tất cả các lĩnh vực loại trừ các dịch vụ về giáo dục, y tế và tổ chức vũ trang. Các nhà đầu tư có thể bán hoặc chuyển nhượng cổ phần tham gia của mình cho nhà nước hoặc cho người thứ 3 với sự đồng ý trước của mỗi bên và được chính phủ cho phép. Các nhà đầu tư được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài mà không phải đóng thuế. Hiện nay, Cuba đã ký hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 71 nước và vùng lãnh thổ và hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 8 nước trong đó có Việt Nam.
 
Những thuận lợi về đầu tư nước ngoài tại Cuba là:
 
- Có lực lượng lao động tay nghề cao
 
- Có hạ tầng cơ sở thích nghi và trong đó có 95% lãnh thổ được điện khí hóa.
 
- Có ổn định về chính trị và xã hội.
 
- Có môi trường an ninh cho người nước ngoài
 
- Hội nhập sâu rộng của Cuba vào khu vực (ALADI, CARICOM)
 
- Có vị trí địa lý nằm ở trung tâm của một thị trường đang mở rộng và có nhiều tuyến đường thương mại quan trọng.
 
- Có hạ tầng cơ sở công nghiệp tốt.
 
- Nhiều tài nguyên thiên nhiên.
 
Thị phần đầu tư của một số nước chính như sau: Tây Ban Nha: 26%, Canada:15%, Italia:14%, Pháp:5%, Anh: 3%, Mexico:3%, Trung quốc: 3%.
 
Hiện nay có các hình thức mới về đầu tư như hợp đồng gia công và hợp đồng quản lý sản xuất và dịch vụ. Đối vơi hợp đồng gia công có 25 nước với 270 hợp đồng trong 16 lĩnh vực gồm chủ yếu là cơ khí luyện kim (92 hợp đồng), công nghiệp nhẹ (83), thực phẩm (11), đánh cá (11). Đối với hợp đồng quản lý sản xuất và dịch vụ gồm 6 nước (Tây Ban Nha, Venezuela, Đức, Mexico, Áo, Bỉ) với 10 hợp đồng. Hiện có 13 dự án xin đầu tư xây dựng sân Golf tại Cuba đang trong quá trình thẩm định. Luật bất động sản của Cuba cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất thời hạn tới 99 năm và có thể được phép ra hạn.
 
Các lĩnh vực Cuba thu hút đầu tư nước ngoài:
 
- Du lịch: Xây dựng phòng khách sạn, phát triển cơ sở hạ tầng ngòai khách sạn tại các trung tâm du lịch của đất nước;
 
- Khai khóang: Phát triển sản xuất các loại khóang sản kỹ thuật mang giá trị cao như: zeolit (dùng trong công nghiệp dược phẩm), Cácbon nat, Măngan và các loại khác;
 
- Dầu khí: Các hợp đồng thăm dò rủi ro tại Đặc khu Kinh tế của Cuba trên Vịnh Mehico, thăm dò trên đất liền và ở các khu vực nước sâu, hợp đồng khôi phục các giếng đã khai thác;
 
- Năng lượng: Thu năng lượng từ các nguồn thay thế như năng lượng gió, năng lượng nước. Mở rộng sản xuất các bản năng lượng mặt trời và phát triển sản xuất các bảng điện tử Silic;
 
- Bao bì: Các dự án sản xuất bao bì nhôm, bao bì nhựa, hộp bìa cát-tông, đồ đựng băng thủy tinh, bao bì nhựa tổng hợp. Các dự án lắp đặt đây chuyền sản xuất bao bì nhựa. Sản xuất và thương mại hóa các loại ống và bóng thủy tinh.
 
Trong bối cảnh hiện nay, đối với thị trường Cuba, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đến đầu tư để sản xuất tại Cuba các mặt hàng công nghiệp nhẹ phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu sang thị trường lân cận theo những hình thức phù hợp chấp nhận được cho cả hai bên. Chuyển hướng đẩy mạnh đầu tư sang Cuba vào các lĩnh vực mà bạn đang thu hút đầu tư như đã nói ở trên song song với trao đổi hàng hóa thương mại chính là hướng đi cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Đón được cơ hội mở cửa, thúc đẩy đầu tư vào Cuba tại thời điểm này sẽ tạo ra những cơ hội quý báu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là những định hướng trao đổi của đồng chí Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương trong chuyến thăm và làm việc chính thức Cuba tháng 9 năm 2010.
 
Tuy nhiên theo ý kiến của một số nhà đầu tư nước ngoài thì cơ chế đầu tư ở Cuba quá chặt chẽ, thủ tục cấp xét dự án đầu tư còn tập trung và thời gian chờ đợi lâu, một số quy định chưa rõ ràng nhất là về giá đất cho dự án, v.v…
 
Vụ Thị trường châu Mỹ

Tin liên quan