Bạn đang ở đây

Kinh tế Pháp mất dần khả năng cạnh tranh

23/11/2012 14:36:01

Ngày 19/11, Pháp đối mặt với sức ép mới sau khi Moody's hạ 1 điểm đối với trái phiếu chính phủ của nước này từ mức cao nhất AAA xuống Aa1, đồng thời cảnh báo có thể còn tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng của Pháp.

Moody's cho biết hãng đưa ra quyết định trên căn cứ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, kinh tế Pháp đang mất dần khả năng cạnh tranh ở mức độ toàn cầu do những bấp cập kéo dài về cơ cấu như sự cứng nhắc trên các thị trường lao động và dịch vụ, cũng như tốc độ đổi mới chậm chạp.

Điều này khiến nước Pháp trong tương lai sẽ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, trong khi vẫn phải chia sẻ trách nhiệm cứu trợ các nước thành viên yếu hơn trong Khu vực đồng Euro (Eurozone).

Thứ hai, tương lai tài chính của Pháp đang bị đe dọa bởi tình trạng nhu cầu giảm ở cả trong và ngoài nước mà nguyên nhân phần nào do thuế tăng và thu nhập thấp.

Cuối cùng, Moody's cảnh báo Pháp có thể "sa lầy" trong quỹ cứu trợ dài hạn của Eurozone mang tên Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), trong khi nước này có nguy cơ gánh chịu rủi ro từ những "con bài đôminô" vỡ nợ công tiềm tàng như Italy, do các mối quan hệ về thương mại và ngân hàng của Pháp với các nước này.

Moody's thừa nhận Pháp hiện vẫn duy trì được mức xếp hạng tín dụng cao nhờ sức mạnh tài chính, nền kinh tế mạnh và đa dạng, cũng như quyết tâm của chính phủ trong cải cách cơ cấu và củng cố tài chính.

Tuy nhiên, hãng này vẫn đánh giá triển vọng tài chính của Pháp là "tiêu cực", do tình trạng suy thoái kinh tế trong Khu vực đồng Euro và những thách thức lớn đối với chương trình cải cách của Paris, hàm ý căng thẳng chính trị giữa Tổng thống Pháp với các đồng minh của ông trong cánh Tả và căng thẳng chính trị trong nội bộ phe đối lập về những cải cách này.

Moody's cũng cảnh báo "sức đề kháng" của Pháp đang yếu đi trước các cú sốc trong tương lai ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu, tín hiệu cho thấy hãng này có thể tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng của Pháp trong trung hạn.

Về phía Pháp, Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovici cho rằng Pháp vẫn có mức xếp hạng tín dụng cao và quyết định của Moody's liên quan đến cách thức quản lý thiếu hiệu quả của các chính phủ tiền nhiệm.

Với quyết định mới của Moody's, Pháp đã đứng sau một số nước thành viên khác trong Eurozone hiện vẫn duy trì mức xếp hạng ba chữ A như Phần Lan, Đức, Luxembourg và Hà Lan. Trước đó, Standard and Poor's và Fitch cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng cao nhất của Pháp, trong khi tuần báo "Nhà kinh tế" của Anh tuần trước coi Pháp là "quả bom hẹn giờ̀" ở trung tâm châu Âu vì những lý do tương tự mà Moody's đã đưa ra.

Cũng trong ngày 19/11, Moody's cảnh báo tình hình tại các ngân hàng của Italy sẽ xấu đi trong năm tới với chất lượng tài sản kém, khả năng sinh lợi thấp và khó tiếp cận với thị trường vốn. Theo Moody's, với mức độ vốn thấp và dễ bị hao hụt, trong khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm trong năm tới,̀ triển vọng đối với các ngân hàng Italy vẫn là "tiêu cực" và còn có nguy cơ xấu hơn.

Trong khi đó, Bồ Đào Nha đã vượt qua "cửa ải" mới để được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trị giá 2,5 tỷ Euro (3,2 tỷ USD) trong gói cứu trợ trị giá 78 tỷ Euro (100 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ngày 20/11, Hy Lạp rơi vào trạng thái chờ đợi căng thẳng, khi các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tổ chức cuộc họp bàn cách giúp Athens được giải ngân phần cứu trợ trị giá 31,5 tỷ Euro (40 tỷ USD) nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công đang cận kề.

Việc giải ngân số tiền nói trên lẽ ra phải được quyết định tại cuộc họp trong tuần trước ở Brussels (Bỉ) giữa các Bộ trưởng Tài chính Eurozone và đại diện nhóm "Bộ ba". Tuy nhiên, cuộc họp này đã kết thúc mà không đạt đồng thuận về cách thức giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Việc các Bộ trưởng nhất trí lùi thời gian quyết định việc giải ngân số tiền tối cần thiết cho Hy Lạp đang đẩy nước này tới sát gần hơn bờ vực vỡ nợ công.

Theo chinhphu.vn

Tin liên quan