Bạn đang ở đây

Giới Phiên phát triển mạnh nghề truyền thống

13/08/2012 11:00:51

Từ tập quán chuyên canh cây lúa, cây rau màu cho hiệu quả kinh tế thấp, người dân trong xã đã từng bước phát triển nghề nuôi trồng nấm thương phẩm và nấm dược liệu gắn với phát triển nghề làm miến truyền thống của địa phương.

Để giúp người dân chuyển đổi sản xuất sang hướng chuyên canh và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, xã đã tập trung tuyên truyền vận động khuyến khích người dân tham gia phát triển các mô hình trồng nấm đa dạng và áp dụng máy móc trong sản xuất miến cho năng suất cao. Nhằm giúp người dân có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi trồng nấm, xã cũng đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông thành phố mở nhiều lớp tập huấn đến tận các thôn gắn với tư vấn kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi trồng nấm đến các hộ dân.

Đặc biệt, Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trồng nấm thương phẩm và nấm dược liệu của thành phố đã giúp người dân trong xã có thêm điểm tựa phát triển nghề trồng nấm. Từ cơ chế hỗ trợ này, người nông dân trong xã đã được giải quyết một phần khó khăn về vốn, kiến thức kỹ thuật trong đầu tư xây dựng lán trại, về giống. Đến nay, toàn xã có 64 hộ trồng nấm với diện tích lán trại 7.235m2, trên 306 nghìn bịch nấm các loại.

Tổng sản lượng nấm tươi thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2012 của toàn xã đạt trên 69 tấn. Thành phố cũng đã hỗ trợ 4 nồi hấp cho các cơ sở sản xuất bịch nấm giống; phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội giải quyết 600 triệu đồng vốn ưu đãi cho 30 hộ sản xuất nấm vay đầu tư mở rộng mô hình.

Xã còn khuyến khích các hộ tham gia Đề án sản xuất nấm thực phẩm và nấm dược liệu thành lập các tổ hợp tác từ 5-10 hộ liên kết với nhau đầu tư một cơ sở đóng, hấp bịch để chủ động trong khâu giống và giảm giá thành đóng bịch, vận chuyển cũng như chuyển giao kỹ thuật.

Cùng với phát triển nghề nuôi trồng nấm, người dân Giới Phiên còn chú trọng phát triển nghề làm miến truyền thống của địa phương. Đến thời điểm này, thôn Ngòi Dong của xã đã được công nhận là làng nghề truyền thống theo Thông tư số 116 ngày 18-12-2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Hiện nay, toàn xã có 54 hộ tham gia sản xuất miến đao. Điều đáng mừng là sau khi làng nghề được công nhận, người dân xã Giới Phiên đã chú ý hơn đến việc áp dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất miến đao. Nhận thấy hiệu quả và năng suất máy ép mang lại trong sản xuất miến, nhiều hộ dân đăng ký đề nghị thành phố hỗ trợ máy ép phục vụ sản xuất. Trong năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 10 máy ép miến đao trị giá 200 triệu đồng cho 10 hộ gia đình.

Xác định phát triển chuyên canh  là một trong những mục tiêu quan trọng để đẩy nhanh quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xã đã vận động các hộ dân sản xuất theo hướng tập trung tại các thôn, ưu tiên hỗ trợ các hộ tại những thôn đã đạt tiêu chuẩn làng nghề để làng nghề phát triển bền vững.

Xã cũng phối hợp với Công ty cổ phần Thí nghiệm Điện Thăng Long - Hà Nội hoàn thành việc xây dựng cột điện, chèn móng các cột đường điện 0,4kV và trạm biến áp để đảm bảo chất lượng điện phục vụ cho sản xuất; tăng cường khuyến khích đầu tư, hỗ trợ các hộ gia đình làm nghề được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời mở lớp tập huấn đào tạo nghề, xây dựng mô hình làng nghề gắn kết với các hộ, cơ sở sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của xã cộng với sự năng động, đoàn kết của người nông dân đã giúp thu nhập của người dân được nâng cao, từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Sự chủ động trong phát triển sản xuất chuyên canh, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương đã tạo điều kiện cho người nông dân Giới Phiên đổi mới tư duy làm ăn, phát huy hiệu quả kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo tiền đề góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả kinh tế cao của địa phương. 

Theo YBĐT

Tin liên quan