Bạn đang ở đây

Đứng vững trên thương trường

15/08/2013 10:51:25
Công ty không chỉ có chỗ đứng trên thương trường mà còn góp phần tiêu thụ hàng nông lâm sản cho hàng nghìn hộ dân.
Sản phẩm măng khô xuất khẩu của Công ty cổ phần Yên Thành.

Đạt được kết quả như hôm nay, Công ty cổ phần Yên Thành đã gặp không ít khó khăn, bươn chải với cơ chế thị trường đầy khốc liệt. Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cho biết, năm 2005, Công ty Cà phê Yên Bái giải thể, ông và một số anh em làm trong Công ty Cà phê Yên Bái đứng ra thành lập Công ty cổ phần Yên Thành trên cơ sở mua lại một số tài sản của của Công ty Cà phê. Những ngày đầu mới thành lập, Công ty gặp muôn vàn khó khăn vì bộ máy nhân sự Công ty đều làm nhà nước chuyển sang tư nhân, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất lại nghèo nàn.

Nhận thấy Yên Bái có vùng nguyên liệu gỗ bạt ngàn trong khi đó công nghệ chế biến gỗ chưa phát triển, Giám đốc Dũng đã lặn lội đi các nơi tìm hiểu thị trường gỗ, sang tận Trung Quốc tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất gỗ bóc. Năm 2006, Công ty đầu tư mua 3 máy bóc gỗ về sản xuất ván bóc, khi đó các cơ sở sản xuất gỗ bóc ở Yên Bái chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, sản phẩm của Công ty ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Từ năm 2010 trở lại đây, các cơ sở sản xuất ván bóc mọc lên như nấm dẫn đến nhiều cơ sở “đói” nguyên liệu. Nhận thấy không thể sản xuất chế biến thô mãi được, Công ty tiếp tục đầu tư trên 3 tỷ đồng lắp đặt thêm dây chuyền ván ép.

Đặc biệt, trong sản xuất ván bóc, khó khăn nhất là thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và chất lượng sản phẩm, Công ty tiếp tục đầu tư một dàn máy sấy sử dụng hơi nước, sấy khô thành phẩm, khắc phục được điều kiện thời tiết mưa nhiều ở Yên Bái. Chính nhờ sự mạnh dạn đầu tư này mà Công ty cổ phần Yên Thành luôn sản xuất và giao hàng đúng hạn.

Từ chỗ chỉ có sản phẩm chủ lực là ván bóc, đến nay Công ty sản xuất thêm gỗ xẻ thanh nan phục vụ công nghệ chế biến ván ghép thanh và sản phẩm ván ép. Với nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, giờ đây Công ty đã đi vào sản xuất ổn định, lượng hàng cung cấp cho các doanh nghiệp trong và tỉnh ngày một tăng, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 5.000m3 gỗ rừng trồng các loại.

Trồng và chế biến măng tre Bát Độ cũng là một thế mạnh của Công ty. Ban đầu Công ty có 150ha măng ở hai xã Xuân Lai và Yên Thành mua lại từ Công ty Cà phê. Xác định chế biến phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, năm 2010, Công ty tiếp tục liên kết với nông dân đầu tư trồng 350ha ở các xã An Phú, Minh Tiến, Mường Lai, Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, với hình thức dân có đất, có nhân công, Công ty bỏ vốn và bao tiêu sản phẩm, đến nay, 350ha diện tích măng tre đã cho thu hoạch.

Hàng năm, Công ty  thu mua của dân từ 850 - 900 tấn măng Bát Độ đã qua sơ chế, với giá 4.500đồng/kg. Sản phẩm măng của Công ty xuất khẩu 100% sang Đài Loan. Nhờ không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty đã hình thành vùng tre măng Bát Độ tập trung với diện tích 500ha, góp phần tích cực giúp nông dân có thu nhập ổn định cải thiện đời sống.

Giám đốc Nguyễn Đức Dũng : “Hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản chịu sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ sở chế biến từ việc thu mua nguyên liệu, giá thành sản phẩm đến tiêu thụ sản phẩm…

 Để đứng vững trên thương trường, Công ty xác định tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ mới có thể phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất, luôn quan tâm thực hiện các chế độ với người lao động. Nhờ vậy họ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến măng khô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư công nghệ chế biến ván ép, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng”.

Nhờ có chiến lược kinh doanh hợp lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã dần ổn định và phát triển vững chắc. Từ năm 2010 đến nay trong khi nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng gặp khó khăn thì Công ty cổ phần Yên Thành vẫn phát triển ổn định và từng bước đi lên.

Năm 2012, Công ty đã đạt doanh thu 23 tỉ đồng, nộp ngân sách 1tỉ đồng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 90 công nhân với mức lương trung bình từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc tập trung phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần Yên Thành còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội góp phần không nhỏ cùng chính quyền địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Theo YBĐT

Tin liên quan