Bạn đang ở đây

Cơ giới hóa trong sản xuất chè

18/06/2014 11:00:10

Tuy là loại cây trồng nuôi sống hàng vạn nông dân nhưng phần lớn các vùng chè vẫn chưa được cơ giới hóa. Mức độ đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh còn thấp, nhiều hộ dân chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè búp tươi chưa cao; vùng nguyên liệu lớn nhưng nhà máy lại thường xuyên “đói” nguyên liệu. Việc trồng cải tạo chè già cỗi và chăm sóc chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản còn hạn chế; các hộ nông dân chưa chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo cho nương chè sinh trưởng, phát triển tốt nhất.

Việc thu hái chè trong nông dân còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật; vẫn còn phương thức hái bằng liềm, cắt một tôm kèm 8 lá và sử dụng máy hái chè chưa đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Ông An Lê Minh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết: “Khoa học công nghệ ngày một thay đổi được áp dụng vào tất cả mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các nhà sản xuất đã nghiên cứu các loại máy móc tốt, an toàn, phù hợp với bà con nông dân Yên Bái. Những loại máy móc này không những thu hoạch chè để sản xuất chè đen mà còn đủ tiêu chuẩn, phẩm cấp sản xuất được chè xanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người trồng chè”.

Hiện nay, các loại máy móc phục vụ cho việc cơ giới hóa sản xuất chè đã khá đồng bộ từ máy làm cỏ, hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm, máy phun thuốc trừ sâu, máy đốn và máy hái chè. Trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất chè; hỗ trợ 36 đầu máy gồm máy hái chè, máy phun thuốc và máy đốn chè cho 12 hộ nông dân tại các xã Việt Cường, Hưng Thịnh, Hồng Ca (Trấn Yên).

Áp dụng máy cơ khí nhỏ vào sản xuất thâm canh chè bước đầu đã đem lại hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng nguyên liệu chè; đảm bảo yêu cầu chất lượng nguyên liệu chè đồng đều và ổn định; kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu khi đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, khắc phục khi thiếu lao động trong các khâu canh tác sản xuất chè, giảm giá thành sản phẩm, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành các tổ hợp tác có sự phối hợp giữa các hộ gia đình, hỗ trợ nhau trong công việc chăm sóc, thu hái chè, đảm bảo thời vụ, áp dụng thống nhất quy trình canh tác, tạo ra nguyên liệu có chất lượng, an toàn, đồng đều cung cấp cho thị trường tiêu thụ.

Sau 2 năm áp dụng cơ giới hóa sản xuất chè, ông Hà Công Hoằng ở thôn Trực Khang, xã Hưng Thịnh cho biết: “Trước kia, canh tác sản xuất chè mất nhiều công, nhiều sức, chi phí đầu vào nhiều, các hộ chưa đủ điều kiện để mua sắm vật tư thiết bị sản xuất, còn sử dụng những công nghệ lạc hậu. Việc dùng máy đốn chè, hái chè nhanh, máy phun thuốc trừ sâu giúp bảo vệ sức khỏe mà vẫn đảm bảo thu được 6 lứa trên năm”. Điều quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế mà các sản phẩm cơ giới mang lại.

Ông Trần Quang Cải ở thôn 3b, xã Việt Cường cho biết: “Công hái chè chiếm đến 50% số ngày công lao động trong canh tác chè. Với 5ha chè, trước đây, mỗi năm, gia đình tôi phải chi tới 14 triệu đồng thuê nhân công hái, lợi nhuận sau khi trừ chi phí còn lại 20 triệu đồng. Nay thì một ngày thu hoạch chè bằng máy có thể đạt 500 - 600kg, tương đương 15 nhân công lao động thủ công. Hái bằng máy, năng suất chè tăng lên từ 60kg/sào lên 100kg/sào, chi phí hái chè giảm xuống còn 6 triệu đồng, lợi nhuận tăng lên 40 triệu đồng. Sau mỗi lứa hái, bà con cần tiếp tục đầu tư chăm sóc để chè lấy sức ra búp đều”.

Tuy nhiên, số tiền đầu tư ban đầu khá lớn, một chiếc máy hái chè có giá khoảng 16 triệu đồng, máy đốn chè khoảng 16 triệu đồng và máy phun thuốc trừ sâu khoảng 8 triệu đồng nên thích hợp với những hộ có khả năng đầu tư ban đầu hoặc có diện tích lớn. Ngoài ra, cơ giới hóa sản xuất chè chỉ áp dụng ở những địa phương có những vùng chè được quy hoạch rõ ràng, chè được trồng ngay hàng thẳng lối. Vì vậy, để nhân rộng và phát triển mô hình này cũng như áp dụng cơ giới hóa sản xuất chè cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bằng cơ chế khuyến khích hoặc vay vốn ưu đãi khi mua máy móc, thiết bị.

Đồng thời, người dân cũng cần có sự tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao công nghệ từ các cơ quan chuyên môn. Cơ giới hóa trong sản xuất chè là tốt vì sẽ thay thế những công nghệ lạc hậu, tạo ra vùng nguyên liệu bền vững. Nhưng để có thể đưa các loại máy móc hiện đại vào sản xuất và thâm canh chè đòi hỏi vùng chè cần được chăm sóc, thu hái, kiến thiết cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh “triệt hạ” cây chè đặc biệt cần đưa những giống chè mới có chất lượng, năng suất cao vào trồng.

Theo YBĐT

Tin liên quan