Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương họp báo về tình hình cung cấp điện và giá điện năm 2011

09/09/2011 16:32:25
Kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện các tháng mùa khô và cả năm 2011
 
Tình hình cung cấp điện năm 2010
 
Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng điện thương phẩm cả nước năm 2010 đạt 85,59 tỷ kWh, tăng 14,4% so với năm 2009, trong đó điện cho công nghiệp và xây dựng tăng 17,31%, nông nghiệp và thuỷ sản tăng 32,87%, thương mại và dịch vụ tăng 11,36%, quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 7,07%.
 
Năm 2010, điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống điện quốc gia đạt 100,1 tỷ kWh, tăng 15,1% so với năm 2009, công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống năm 2010 là 15.500MW. Tổng công suất đặt nguồn điện tính đến ngày 31/12/2010 là 21.250MW, trong đó thuỷ điện chiếm tỷ trọng là 38%, nhiệt điện là 56%, diesel và nguồn điện nhỏ khác là 2% và điện nhập khẩu là 4%. Tổng công suất khả dụng của nguồn điện trong năm 2010 dao động trong khoảng 15.000-17.600MW.
 
Tình hình cung ứng điện năm 2010 đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt, ở các tháng mùa khô, do tình hình hạn hán nghiêm trọng kéo dài làm suy giảm công suất và sản lượng các nhà máy thuỷ điện, nhu cầu điện tăng cao do nắng nóng, một số nhà máy nhiệt điện than mới (Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí 2, Phả Lại 2, Cẩm Phả và Sơn Động) vận hành không ổn định thường xảy ra sự cố, dẫn đến hệ thống điện quốc gia bị mất cân đối cung - cầu về điện. Để đảm bảo an ninh vận hành hệ thống điện, việc cắt giảm phụ tải điện đã phải thực hiện với tổng sản lượng điện cắt giảm vào mùa khô 2010 ước tính khoảng 1,4 tỷ kWh.
 
Dự báo nhu cầu điện và kế hoạch cung cấp điện năm 2011
 
Theo dự báo của EVN, tổng nhu cầu điện sản xuất toàn quốc năm 2011 là 117,63 tỷ kWh, tăng 17,63% so với tổng sản lượng điện thực hiện năm 2010 (100,1 tỷ kWh), trong đó tổng nhu cầu điện sản xuất 6 tháng mùa khô 2011 là 56,14 tỷ kWh tăng 18,3% so với thực hiện 6 tháng mùa khô 2010, tổng nhu cầu điện sản xuất 6 tháng cuối năm 2011 là 61,49 tỷ kWh tăng 16,8% so với thực hiện 6 tháng cuối năm 2010.
 
Do tình hình khô cạn năm 2010 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tích nước các hồ thuỷ điện. Tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2011, mực nước hầu hết các hồ thuỷ điện trên cả nước đều thấp hơn nhiều so với mực nước yêu cầu, cụ thể mực nước hồ Hòa Bình chỉ đạt 100,89m/117m (thấp hơn 16,11m yêu cầu), hồ Tuyên Quang chỉ đạt 108,7m/120m (thấp hơn 11,3m), hồ Ialy đạt 493,0m/515m (thấp hơn 21,96m), hồ Trị An đạt 54,0m/62m (thấp hơn 7,98m). Tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa thủy điện so với mực nước yêu cầu đầy hồ vào khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Bên cạnh đó, một số nhà máy điện do phải khai thác liên tục trong thời gian qua, thời hạn bảo dưỡng sửa chữa đã vượt quá mức cho phép, do đó hay xảy ra sự cố. Ngoài ra, một số nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào hoạt động năm 2010 vẫn chưa vận hành ổn định, nên hệ thống điện quốc gia vẫn có nguy cơ thiếu điện vào các tháng mùa khô 2011.
 
Trước các khó khăn về cung ứng điện nêu trên, Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo EVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện mùa khô và cả năm 2011 để trình Bộ phê duyệt. Ngày 12 tháng 01 năm 2011, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 0152/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2011 làm cơ sở pháp lý cho điều hành cung ứng điện. Theo đó, các loại nguồn thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhập khẩu điện đã được huy động phát điện tối đa, các nguồn điện có giá thành cao (chạy dầu FO, DO) cũng được huy động ở mức rất cao để đáp ứng nhu cầu điện của hệ thống.
 
Theo kế hoạch phê duyệt, tính toán với khả năng phát điện tối đa các nhà máy điện trong hệ thống, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia năm 2011 sẽ ở mức 115,56 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 54,06 tỷ kWh. Sản lượng điện này được tính toán cụ thể cho từng tháng và cho từng loại nguồn điện để làm cơ sở cho EVN thực hiện huy động các nguồn điện, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho các địa phương. Theo kế hoạch được duyệt, trong mùa khô 2011 điện năng sản xuất từ các nguồn thủy điện dự kiến là 11,56 tỷ kWh, nguồn nhiệt điện là 12,25 tỷ kWh, nguồn nhiệt điện tua bin khí là 23,82 tỷ kWh, nguồn nhiệt điện dầu FO là 3,70 tỷ kWh và dầu DO là 0,22 tỷ kWh, điện nhập khẩu là 2,51 tỷ kWh.
 
Tình hình sản xuất cung ứng điện tháng 1, tháng 2 và kế hoạch cung ứng các tháng còn lại của mùa khô 2011
 
Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã huy động tối đa các nguồn điện, tình hình cung cấp điện cho phụ tải điện toàn hệ thống được đảm bảo ổn định, đặc biệt trong các sự kiện quan trọng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Tính đến ngày 24/02/2011, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 14,732 tỷ kWh, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2010.
 
Hiện nay, cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn sau:
 
- Các nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành ở miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn vận hành chưa ổn định, đến nay một số tổ máy đã ngừng để xử lý sự cố như tổ máy số 2 (300MW) nhà máy điện Hải Phòng, tổ máy số 2 (110MW) nhà máy điện Sơn Động.
 
- Sự cố máy biến áp tổ máy tuabin hơi 240MW của nhà máy điện khí BOT Phú Mỹ 3 vào ngày 23 tháng 01 năm 2011 và dự kiến khắc phục xong sự cố này vào cuối tháng 3 sẽ làm giảm sản lượng phát của nhà máy trong giai đoạn khắc phục gần 700 triệu kWh.
 
- Ở miền Bắc, do các hồ chứa thủy điện phải xả nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2010 - 2011 với tổng lượng nước xả 2 đợt đạt gần 3 tỷ m3, nên mực nước các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà vào đầu tháng 3 đều thấp hơn so với mức nước tính toán trong kế hoạch vận hành được duyệt (Hòa Bình thấp hơn 2,8m, Tuyên Quang thấp hơn 2m).
 
- Tình hình nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam diễn biến bất lợi so với chu kỳ nhiều năm, cùng với mực nước thấp ngay từ đầu mùa khô năm 2011, các nhà máy thủy điện khu vực này không thể phát hết công suất do thiếu nước.
 
- Nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cao do các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2011.
 
Với những vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến cung ứng điện nêu trên, dự kiến kế hoạch cung ứng điện từ tháng 3 cho đến hết tháng 6 năm 2011: Tổng sản lượng điện năng phát và nhập khẩu có thể cung ứng được của hệ thống điện quốc gia trong 4 tháng tới là 38,04 tỷ kWh và đáp ứng được cơ bản nhu cầu điện với tăng trưởng trung bình dưới mức 15%.
 
Các giải pháp thực hiện để nâng cao khả năng cung ứng điện
 
Để triển khai thực hiện Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2011 được phê duyệt tại Quyết định số 0152/QĐ-BCT ngày 12 tháng 01 năm 2011, Bộ Công Thương ban hành chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2011 về việc về việc cung cấp điện và vận hành hệ thống điện mùa khô năm 2011. Trong đó, đã giao cho các cơ quan/đơn vị chuẩn bị và thực hiện cung ứng điện trong mùa khô năm 2011, như sau:
 
- Giao EVN triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch cung cấp điện tháng, tuần trong năm 2011 trên cơ sở Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2011 được duyệt tại Quyết định số 0152/QĐ-BCT ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Bộ Công Thương; chỉ đạo các tổng công ty điện lực xây dựng kế hoạch cung cấp điện tháng, tuần để thực hiện.
 
- Giao các tổng công ty điện lực/công ty điện lực tỉnh trực thuộc lập kế hoạch cung ứng điện tháng, tuần tại địa phương trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương phê duyệt để thực hiện, trong trường hợp phải thực hiện cắt giảm điện do thiếu nguồn điện phải xác định rõ lịch cung cấp điện cho các đối tượng khách hàng để chủ động trong sản xuất kinh doanh.
 
- Giao Sở Công Thương các tỉnh tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch cung ứng điện; trực tiếp giám sát về thực hiện cung ứng điện tại địa phương.
 
- Xác định nguyên tắc chung về cung ứng và cắt giảm điện khi hệ thống thiếu nguồn làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch cắt giảm điện tại từng địa phương.
 
- Theo dõi, cập nhật tình hình ở các địa phương về việc triển khai thực hiện kế hoạch cung cấp điện tại địa phương cho mùa khô năm 2011, ngày 15 tháng 02 năm 2011 Bộ Công Thương có công văn số 1275/BCT-ĐTĐL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và thực hiện kế hoạch cung cấp điện tại địa phương trong mùa khô năm 2011. Theo báo cáo của EVN và thông tin từ các địa phương, cho đến nay đã có 15 tỉnh phê duyệt kế hoạch cung cấp điện tại địa phương, các tỉnh còn lại cũng đang xem xét để phê duyệt kế hoạch cung cấp điện tại địa phương. Về thành lập Ban Chỉ đạo điều hành cung ứng điện tại địa phương (BCĐ), hiện có 39 tỉnh đã lập BCĐ và 19 tỉnh đang triển khai thành lập BCĐ.
 
Trong thời gian tới, để nâng cao khả năng cung ứng điện trong các tháng còn lại của mùa khô năm 2011 ở mức cao nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN theo dõi sát khả năng phát điện của các nguồn điện trong hệ thống, đảm bảo cung cấp điện tối đa trong khả năng có thể và vận hành hệ thống điện an toàn trong giai đoạn mùa khô 2011, tăng cường công tác giám sát thực hiện sản xuất và cung cấp điện, các biện pháp cụ thể như sau:
 
-Huy động phát điện tối đa các nhà máy điện, trưng dụng các tổ máy nhiệt điện mới còn đang trong thời gian thử nghiệm hoặc nghiệm thu để tăng cường nguồn phát điện cho hệ thống.
 
- Điều chỉnh lịch bảo dưỡng, sửa chữa: tiếp tục hoãn sửa chữa các tổ máy nếu điều kiện kỹ thuật còn cho phép duy trì vận hành kết hợp với tăng cường giám sát tình trạng thiết bị.
 
- Đẩy nhanh việc đưa vào khai thác các nguồn điện mới, thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài EVN.
 
- Thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung cấp điện. Trong trường hợp phụ tải tăng cao hơn khả năng cung ứng của hệ thống dẫn đến thiếu điện thì việc tiết giảm điện tại các địa phương được thực hiện theo kế hoạch do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, thực hiện cắt giảm điện theo nguyên tắc luân phiên, công bằng, hài hoà giữa nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo minh bạch, công bằng, công khai.
 
- Tăng cường công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các điện lực địa phương có hình thức thông tin phù hợp tới các hộ sử dụng điện để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp thực hiện; đẩy mạnh việc phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng diện hợp lý trong điều kiện khó khăn về sản lượng điện hiện nay.
 
Việc điều chỉnh giá điện năm 2011
 
Sự cần thiết điều chỉnh giá điện 2011
 
Ngày 23 tháng 02 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-TTg về biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ năm 2011 và Quyết định số 269/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2011. Việc điều chỉnh giá điện năm 2011 là bước đi cần thiết để thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển các mặt hàng sang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường. Cũng qua đây nhằm xử lý một số vấn đề mang tính căn bản, dài hạn hơn để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phát triển điện lực ở nước ta thời gian qua, chủ yếu như: Giá điện của Việt Nam trong những năm qua vẫn đang ở mức thấp và thấp hơn giá thành thực tế cho sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào theo giá thị trường, do vậy không bảo đảm được cân bằng tài chính cho các đơn vị sản xuất điện, không hấp dẫn được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn tới tình trạng chậm đầu tư các nguồn điện mới; đồng thời cũng không khuyến khích doanh nghiệp và người sử dụng điện điện lựa chọn đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, v.v... Bên cạnh đó, hiện nay chi phí cho sản xuất kinh doanh điện cũng đã tăng cao. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hầu hết các chi phí thực tế cho sản xuất kinh doanh điện (số liệu chưa được kiểm toán) đều tăng cao hơn so với số liệu tính toán. Trong năm 2010, các nhà máy nhiệt điện chạy than mới đưa vào vận hành phát không ổn định, điều kiện thuỷ văn bất lợi, hạn hán kéo dài, các nhà máy thủy điện không đủ nước để vận hành, vì vậy hệ thống phải huy động các nguồn điện có giá cao (nguồn điện chạy dầu, nhập khẩu) làm tăng thêm chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Các thông số đầu vào hình thành giá điện cũng đã tăng cao, cụ thể: tỷ giá ngoại tệ tăng cao (từ 18.500đ/USD vào thời điểm tính toán giá điện 2010 lên trên 20.000 đ/USD vào cuối năm), giá khí cho nhà máy điện Cà Mau tăng cao do giá dầu thế giới tăng, v.v…
 
Nội dung chính của biểu giá điện 2011
 
Theo Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủvề biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ năm 2011 và Quyết định số 269/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2011, những nội dung chính bao gồm như sau:
 
1. Quan điểm xây dựng biểu giá điện mới:
 
Biểu giá điện năm 2011 được điều chỉnh trên nguyên tắc không gây ra sự biến động lớn về giá; bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với các hộ nghèo và các hộ thu nhập thấp, tức là nhà nước vẫn có cơ chế hỗ trợ giá điện cho các hộ này; giá điện cho các thành phần được xây dựng minh bạch, không có bù chéo trong giá giữa các đối tượng khách hàng; giá điện được tính toán để tách bạch chức năng kinh doanh và bảo trợ xã hội của ngành điện.
 
2. Nội dung các Quyết định về giá điện do Thủ tướng CP ký ban hành:
 
- Phê duyệt các nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện và cơ cấu biểu giá điện cho các đối tượng khách hàng. Về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, tỷ lệ giá bán lẻ điện so với giá bán điện bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ quy định cho từng nhóm đối tượng khách hàng. Hàng năm, Bộ Công Thương căn cứ vào cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được duyệt này để tính toán và công bố biểu giá bán lẻ điện chi tiết.
 
- Tiếp tục áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt gồm 7 bậc với bậc thang đầu tiên (từ 0 - 50 kWh) có giá ở mức chỉ bằng 80% giá bán điện bình quân 2011 và áp dụng cho các hộ có thu nhập thấp thường xuyên sử dụng điện ở mức dưới 50kWh/tháng; giá điện cho các bậc thang thứ 2 (từ 0 – 100kWh) áp dụng cho các hộ sử dụng điện thông thường, có giá ở mức bằng giá bán điện bình quân được duyệt; giá điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.
 
- Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng.
 
- Tại những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, giá sàn điện sinh hoạt bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện bình quân năm.
 
- Về mức điều chỉnh, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010; thời gian áp dụng từ ngày 01 tháng 3 năm 2011, tương ứng với các thông số đầu vào tính toán của phương án giá điện.
 
3. Cơ sở xây dựng giá điện năm 2011:
 
Giá điện năm 2011 được xây dựng trên cơ sở các thông số đầu vào như sau:
 
- Giá than cho sản xuất điện tăng 5% so với hiện hành, bằng 66-72% giá thành sản xuất than năm 2010 (theo số liệu của Vinacomin).
 
- Tỷ giá ngoại tệ: áp dụng tỷ giá tính toán ở mức 19.500đ/USD; với tỷ giá này thực tế doanh nghiệp phải chịu chênh lệch tỷ giá là 1.400 đ/USD khi thanh toán theo tỷ giá liên ngân hàng và là xấp xỉ 3.000 đ/USD khi thanh toán theo tỷ giá của thị trường tự do.
 
- Lợi nhuận của EVN: được tính bằng 0%; Như vậy, việc điều chỉnh giá điện lần này chủ yếu là để bù đắp các chi phí đầu vào được chuyển vào giá điện (như tăng giá than và giá khí cho phát điện) và chỉ để giảm một phần lỗ đã phát sinh cho doanh nghiệp, chứ không phải là tăng giá để đầu tư cho hệ thống.
 
- Các chi phí phát sinh của EVN từ các năm trước vẫn chưa được tính vào giá điện năm 2011 để thu hồi, cụ thể các chi phí còn treo lại như: Chi phí vận hành bảo dưỡng (O&M) và chi phí công suất của nhà máy điện Cà Mau các năm 2008-2009; Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ 2010 trở về trước còn lại; Phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện năm 2011; Chi phí lãi vay vốn lưu động cho mua dầu phát điện trong mùa khô năm 2011; Chi phí tăng thêm do phát điện giá cao năm 2010; Chi phí chênh lệch tỷ giá đến 31/12/2010; Chi phí hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo năm 2011. Tổng cộng các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện trong năm 2011 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
 
Như vậy, khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ đã cân nhắc chỉ bù đắp một phần chi phí phát sinh cho ngành điện nói chung và cho EVN nói riêng, doanh nghiệp vẫn chịu lỗ khi giá điện được điều chỉnh ở mức thấp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tăng giá điện tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội. Để đảm bảo khả năng cung cấp điện ổn định lâu dài của hệ thống điện, cần thiết phải có cơ chế điều chỉnh giá điện để doanh nghiệp thu hồi một phần các chi phí này khi điều kiện cho phép.
 
Cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo và các hộ thu nhập thấp
 
1. Cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo
 
Các hộ thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Việc chi trả tiền hỗ trợ giá điện tới các hộ trong danh sách hộ nghèo hàng năm do UBND cấp tỉnh thực hiện sau khi tiếp nhận kinh phí hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ.
 
Đối với hộ nghèo có sản lượng điện sử dụng hàng tháng 50kWh, do được hỗ trợ giá trực tiếp 30.000 đồng/tháng, thực tế các hộ nghèo chỉ phải trả 20.000 đồng tức là đã được hỗ trợ giá điện đến 60% tiền điện và giá bán lẻ điện thực tế áp dụng cho các hộ nghèo chỉ còn 400đ/kWh. Đối với hộ nghèo sử dụng điện dưới 50kWh/tháng vẫn được hỗ trợ giá 30.000 đồng/tháng thì mức hỗ trợ giá điện còn cao hơn.
 
2. Cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ thu nhập thấp (có đăng ký)
 
Các hộ có thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ giá điện do được mua điện cho 50kWh của bậc thang đầu tiên hàng tháng với giá bằng 80% giá bán điện bình quân, không có lợi nhuận. Để được hỗ trợ giá, các hộ thu nhập thấp đăng ký với bên bán điện; trường hợp trong 3 tháng liên tiếp tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký lớn hơn 150 kWh thì bên bán điện sẽ tự động chuyển hộ sử dụng sang áp dụng mức giá điện từ bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo trong các tháng còn lại trong năm.
 
Đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến phát triển kinh tế và đời sống
 
Với mức tăng giá điện so với giá thực hiện năm 2010 là 165 đồng/kWh (15,3%), ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất. Do tăng giá điện, ước tính sẽ trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,46%.
 
Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến giá điện cho sản xuất tăng bình quân khoảng 12%, làm tăng giá thành sản xuất của các ngành sản xuất từ 0,01 – 1,33%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,38-1,33%; Đối với các ngành thuốc lá, bia, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng từ 0,01-0,46%.
 
Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện như sau: Đối với hộ tiêu thụ 100kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 32.000 đồng; Đối với hộ tiêu thụ 200kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 39.000 đồng; Đối với hộ tiêu thụ 300kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 45.000 đồng; Đối với hộ tiêu thụ 400kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 52.000 đồng.
 
Đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.
 
Tóm lại, việc điều chỉnh giá điện năm 2011 là một bước đi trong lộ trình để thực hiện thị trường hoá giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn cung cấp, đủ năng lực truyền tải và phân phối điện, vận hành ổn định. Tại Quyết định về giá bán điện năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hoàn chỉnh Quy định về cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I năm 2011. Như vậy, việc điều chỉnh giá điện năm 2011 chỉ là một bước điều chỉnh giá điện để tiến tới thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, đồng thời cơ chế giá điện áp dụng đảm bảo bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, thực hiện được chính sách bù giá điện của Chính phủ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp.
 
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các Bộ để tuyên truyền tới người dân và các doanh nghiệp về chủ trương điều chỉnh giá điện của Chính phủ, giúp cho người dân, các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng chủ trương này, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hóa và dịch vụ một cách bất hợp lý.
 
 
Văn phòng Bộ

Tin liên quan