Bạn đang ở đây

6 tháng cuối năm: Ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

12/07/2012 16:35:53

Các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2012, có nhiều khó khăn đối với ngành ngân hàng, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho ở mức cao.… Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, trong năm 2011, ngành ngân hàng đã cùng chung sức thực hiện các giải pháp, nhờ đó, những vướng mắc về tiền tệ, tín dụng, quản trị ngân hàng được xử lý tương đối kịp thời.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2012, các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với tổng mức giảm từ 4-5%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; công cụ nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện linh hoạt, khi các TCTD khó khăn thanh khoản thì tăng cường hỗ trợ, khi cung tiền mạnh qua kênh mua ngoại tệ thì kịp thời phát hành tín phiếu NHNN với khối lượng và lãi suất hợp lý, đảm bảo kiểm soát tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý. Đến ngày 30/6, tổng phương tiện thanh toán chưa loại trừ giấy tờ có giá do TCTD phát hành lẫn nhau tăng 5,57% so với cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán 14-16% trong năm 2012.

Về tín dụng, mặc dù tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Tính đến ngày 30/6, tín dụng tăng 0,76% so với cuối năm 2011.

Tín dụng tăng trưởng thấp nhưng tín dụng tăng cao đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, giảm mạnh đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Đến 31/5/2012, tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%, nông nghiệp nông thôn tăng 3%, công nghiệp hỗ trợ ước tăng 7,13%; riêng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 13,69%. Dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 5,25% so với tổng dư nợ cho vay, giảm -5,91% so với tỷ trọng cuối năm 2011 (11,16%).

Thanh khoản VND của toàn hệ thống cũng được đảm bảo và có xu hướng cải thiện so với cuối năm 2011 do huy động vốn tăng cao. Số dư tiền gửi bình quân của các TCTD tại NHNN tăng dần qua các tháng, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn giảm dần qua các tháng từ mức 103,23% cuối năm 2011 xuống mức 90,33% đến ngày 30/6, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, dư thừa thanh khoản. Thanh khoản bằng ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo được mức dư thừa và có xu hướng cải thiện so với những tháng đầu năm, hầu hết các TCTD đều có tỷ lệ tín dụng/huy động vốn trong và ngoài nước dưới 100%.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với đầu năm. Về lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ 3-6%/năm. Lãi suất cho vay giảm khoảng 3-6%/năm so với cuối năm 2011; trong đó tập trung chủ yếu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 11-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17%/năm. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh 8-9% so với đầu năm phản ánh thị trường tiền tệ đã ổn định hơn nhiều so với năm 2011.

Việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá kết hợp với chính sách quản lý ngoại hối đã góp phần ổn định tỷ giá, tăng lòng tin vào đồng Việt Nam, từng bước thực hiện chủ trương chuyển dần quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ. Số liệu tiền tệ cho thấy huy động ngoại tệ và cho vay ngoại tệ đều giảm hơn huy động và cho vay bằng VND. Tính đến ngày 30/6/2012, huy động vốn tăng 6,49%, trong đó huy động vốn VND tăng 8,62%, ngoại tệ giảm 2,2%. Hệ thống các TCTD mua được một lượng lớn ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và dân cư để bán cho NHNN, tăng dự trữ Ngoại hối Nhà nước ở mức lớn. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của người dân và doanh nghiệp được hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm đáng kể, tình trạng đô la hóa được đẩy lùi một bước, thị trường ngoại tệ tự do gần như không còn hoạt động, tỷ giá biến động thấp.

Hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, hoạt động lành mạnh, trật tự kỷ cương thị trường đã được khôi phục lại và tiếp tục được duy trì ổn định.

Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng qua, họat động ngân hàng vẫn còn không ít những tồn tại, đó là hoạt động của hệ thống các TCTD về cơ bản an toàn nhưng cân đối vốn vẫn chưa được cải thiện, nợ xấu tăng, vẫn còn một số TCTD vi phạm tỷ lệ an toàn. Quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, điều hành lượng tiền cung ứng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của thị trường và chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 6-8%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế trên 3 tỷ USD, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (5,2-5,7%), không gây áp lực lạm phát cho năm 2013 và các năm tiếp theo, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, đảm bảo tăng trưởng tín dụng nhưng đi đôi với an toàn hệ thống và từng TCTD; Chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8-10%.

Thứ ba, theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp theo các ngành kinh tế để đề xuất kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Chủ động làm việc ngay với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các địa để phối hợp tìm các giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có giải pháp hợp lý xử lý nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.

Thứ tư, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, phân tích, dự báo thanh khoản thị trường để chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô, đảm bảo thực hiện được mục tiêu ổn định giá trị của VND; tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục căn bản tình trạng đô la hóa, tập trung nguồn ngoại tệ vào hệ thống các TCTD để tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai đề án bình ổn thị trường vàng thông qua sử dụng nguồn lực trong nước. Đảm bảo ổn định tỷ giá với mức biến động không quá 2-3%.

Ngoài ra, tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 13/NQ-CP và Chỉ thị 01/CT-NHNN. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và thực hiện không đúng chỉ đạo của NHNN. Tiếp tục tăng cường công tác thống kê, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô tiền tệ để phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN; Tiếp tục triển khai có hiệu quả theo kế hoạch Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Đồng thời, tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu... theo chỉ đạo của NHNN.

Cùng với các giải pháp trên, từ nay đến cuối năm 2012, NHNN cũng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN về lãi suất. Đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn...

Theo CPV.VN

Tin liên quan