Bạn đang ở đây

Rà soát chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại WTO

03/02/2017 08:34:50

Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù có tăng trưởng GDP của giai đoạn rà soát chỉ bằng 1/4 mức tăng trưởng so với phiên rà soát chính sách trước, nhưng GDP thực tế đã tăng bình quân 2,4% và 2,6% năm 2014-2015, trước khi giảm xuống khoảng 1% trong nửa đầu năm 2016. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân đã được thúc đẩy, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 10% năm 2009 xuống dưới 5% như hiện nay. Thị trường lao động được tăng cường và tăng thu nhập cá nhân, cùng với giảm giá năng lượng, lạm phát thấp, dưới mức mục tiêu dài hạn của Dự trữ liên bang 2%, đã thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng. Việc hình thành vốn lớn là động lực của tăng trưởng năm 2014 và hầu hết năm 2015 chủ yếu là nhờ lãi suất thấp… Mặc dù tình hình kinh tế được cải thiện nhưng các thách thức vẫn còn tiềm ẩn, trong đó có suy giảm cơ sở hạ tầng và tăng bất bình đẳng thu nhập.

Trong giai đoạn rà soát, quan điểm tài khóa đã trung lập hơn, do các cơ quan quản lý đã hạn chế nguồn lực cho các công cụ chính sách tài khóa. Các bất ổn tài khóa đã được giải quyết theo Luật Ngân sách Bipartisan 2015, treo mức nợ trần đến tháng 3 năm 2017 và tránh rủi ro cho chính phủ trong năm 2016-2017. Quan điểm hiện tại hướng tới giảm thâm hụt tài khóa. Ngân sách của năm tài khóa 2017 bao gồm các biện pháp đề xuất để giảm thâm hụt trong tương lai, trong khi thực thi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cơ hội. Các chính sách được đề xuất của Tổng thống sẽ giữ thâm hụt dưới 3% GDP trong khi vẫn ổn định nợ và tạo áp lực suy giảm trong thập kỷ tới. Chính sách tiền tệ tương đối tập trung trong cả giai đoạn rà soát, nhưng Dự trữ liên bang đã đưa ra “tiến trình bình thường hóa chính sách” (từng bước làm tăng tỷ lệ quỹ liên bang và giảm tỷ lệ giữ chứng khoán của Dự trữ liên bang) năm 2015. Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan chính sách của Dự trữ liên bang, đã tăng mục tiêu cho quỹ liên bang bằng ¼ điểm phần trăm trong tháng 12 năm 2015. Tuy nhiên, FOMC kỳ vọng rằng các điều kiện kinh tế sẽ chỉ bảo đảm dần cho sự gia tăng trong tương lai.

Hoa Kỳ là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về cả hàng hóa và dịch vụ. Xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ rất đa dạng, chủ yếu là máy móc, phương tiện, hóa chất, sản phẩm dầu tinh chế. Nhập khẩu cũng đa dạng như xuất khẩu, chủ yếu là sản phẩm chế biến, chiếm tới 70% tổng nhập khẩu. Máy móc, thiết bị vận tải, nhiên liệu vẫn là sản phẩm nhập khẩu chính. Năm 2015, Hoa Kỳ đã thâm hụt thương mại hàng hóa 763 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2014, nhưng cao hơn 8,7% so với mức thâm hụt năm 2013. Cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa năm 2015 đều phản ánh giá nhập khẩu dầu giảm, tăng sản xuất trong nước đối với dầu thô và khí đốt tự nhiên trong trường hợp nhập khẩu, và nhu cầu thế giới suy giảm và đồng đô la tăng giá trong trường hợp xuất khẩu. Trong những năm trước, thâm hụt thương mại hàng hóa được bù đắp bằng thặng dư thương mại dịch vụ và thu nhập cơ bản. Hoa Kỳ thường thặng dư thương mại về dịch vụ thương mại xuyên biên giới, với thặng dư mạnh trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, vận tải, phí sử dụng sở hữu trí tuệ. Thặng dư dịch vụ đạt 262 tỷ USD năm 2015. Canada, EU, Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ về hàng hóa và dịch vụ. Hoa Kỳ vẫn là điểm hấp dẫn hàng đầu của thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn vào là 348,4 tỷ USD năm 2015. Cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt trong giai đoạn rà soát, 463 tỷ USD, tương đương 2,6% GDP năm 2015.

Chính sách thương mại của Hoa Kỳ nhằm “thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ việc làm thu nhập cao, tăng cường tầng lớp trung lưu” như đã nêu trong Chương trình nghị sự Chính sách thương mại năm 2016 của Tổng thống. Để đạt được điều này, Hoa Kỳ đã tham gia tích cực đàm phán trong khuôn khổ WTO, cũng như trong các thể chế khu vực và nhiều bên. Hoa Kỳ là nước ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại, đã phê chuẩn và gia hạn Hiệp định Công nghệ thông tin được thực thi vào ngày 1/7/2016. Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được hoàn tất vào tháng 10/2016 và được ký vào tháng 2/2016, nhưng chưa phê chuẩn. Hoa Kỳ cũng đàm phán tích cực nhằm tự do hóa thương mại, nhất là trong Hiệp định Hàng hóa môi trường và Hiệp định Thương mại dịch vụ.

Luật Cơ quan Xúc tiến thương mại mới (TPA) đã được ban hành ngày 29/6/2015 theo Luật Ưu tiên thương mại quy định thủ tục pháp lý cho các hiệp định thương mại mới cho đến ngày 01/7/2018, có thể gia hạn cho các hiệp định mới dến 1/7/2021. TPA năm 2015 xác định 13 mục tiêu đàm phán thương mại, giải quyết bốn vấn đề mới: doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát (SOE); các rào cản trong nước đối với thương mại; vấn đề tiền tệ; và quản trị tốt, minh bạch, hoạt động hiệu quả của các chế độ trong nước và quy tắc luật pháp của đối tác thương mại.

Hoa Kỳ gia hạn ưu đãi đơn phương đối với các nước đang phát triển, kể cả các nước kém phát triển, trong chương trình Hệ thống ưu đãi chung (GSP), Đạo luật về cơ hội và tăng trưởng của Châu Phi (AGOA), Sáng kiến vùng Caribe. Cả GSP và AGOA đều do Quốc hội thông qua ngày 29/6/2015 theo Luật Mở rộng ưu đãi thương mại 2015. Việc quản lý GSP hiện tại có giá trị đến cuối năm 2017, trong khi ưu đãi theo AGOA vẫn được tiếp tục đến năm 2025. Không có hiệp định thương mại tự do mới nào có hiệu lực ở Hoa Kỳ kể từ khi FTA Hoa Kỳ- Panama có hiệu lực năm 2012.

Chế độ đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ vẫn không thay đổi trong giai đoạn rà soát. Chế độ nhìn chung mở và tự do, mặc dù một số hạn chế áp dụng vì lý do bảo vệ hoặc an ninh quốc gia. Một số giao dịch có thể là đối tượng quản lý của Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (CFIUS) rà soát trên cơ sở an ninh quốc gia. Chương trình SelectUSA 2011 tiếp tục là phương tiện cơ bản của Chính phủ liên bang trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ. Cam kết dài hạn của Hoa Kỳ về mở cửa các chính sách thương mại tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn rà soát. Một số biện pháp thuận lợi hóa thương mại đã được thực thi, các nỗ lực vẫn tập trung vào thực thi Hệ thống Dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS) ngày 31 tháng 12 năm 2016. Trong tương lai, các thương nhân sẽ sử dụng tờ khai về áp dụng môi trường thương mại tự động (ACE) để đáp ứng tất cả thông tin do Cơ quan hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) và 47 cơ quan chính phủ đối tác về thông quan xuất nhập khẩu. Các biện pháp thuận lợi hóa thương mại khác bao gồm đơn giản hóa các chương trình nhập cảnh và các chương trình cho thương nhân.

Nhìn chung, khung pháp lý và quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ, giấy phép nhập khẩu, trị giá hải quan, thuế phí nhập khẩu vẫn không thay đổi trong giai đoạn rà soát. Thuế quan hiện tại được thực thi từ tháng 1/2016 có 10.516 dòng thuế ở cấp độ 8 số. Hầu hết thuế MFN đều là thuế tương đối, nhưng thuế cụ thể và thuế hỗn hợp được áp dụng với gần 11% tổng số dòng thuế. Thuế suất tương đối được tập trung với nông nghiệp, nhiên liệu, dệt may và da giày. Hầu hết thuế MFN đều tương tự với mức ràng buộc và không thay đổi trong 10 năm qua. Thuế bình quân đơn chiếm 4,8% tổng số dòng thuế năm 2016. Gần 37% dòng thuế được miễn thuế trên cơ sở thuế MFN, và hơn 7,8% dòng thuế có thuế suất 2% hoặc dưới 2%. Thuế quan trên 25% tập trung vào nông nghiệp (bơ sữa, thuốc lá và sản phẩm rau), thực phẩm, dệt may. Gần 22 dòng thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp có thuế suất nhập khẩu trên 100%.

Hầu hết hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ đều được đối xử MFN. Năm 2015, thuế quan theo các chương trình ưu đãi đơn phương hoặc có đi có lại của Hoa KỲ dưới 20% giá trị nhập khẩu. Mặc dù mở cửa thị trường một số hàng hóa được thực hiện, nhưng cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ vẫn áp dụng với Cuba và Iran. Hoa Kỳ là nước sử dụng tích cực thuế chống phá giá. Trong giai đoạn 2014 đến cuối tháng 6 năm 2016, số lượng điều tra chống phá giá là 85. Có 269 lệnh chống phá giá được thực hiện đến ngày 30 tháng 6 năm 2016. Các đối tác thương mại bị tác động bởi các biện pháp này gồm Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lãnh thổ hải quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ (Đài Loan Trung Quốc). Các cuộc điều tra được thực hiện trong giai đoạn rà soát chủ yếu tập trung vào ngành thép. Thời gian trung bình của một biện pháp chống phá giá đặt ra hồi cuối năm 2015 là 7 năm. Có 60 điều tra thuế đối kháng được triển khai trong thời gian từ 01/01/2014 đến 30/6/2016. Tổng số 69 lệnh thuế đối kháng được thực hiện vào cuối tháng 6 năm 2016.

Việc thực thi Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm 2011 (FSMA) hướng tới dịch chuyển cách tiếp cận quản lý từ đối phó tới ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm là một hoạt động cốt lõi của các cơ quan quản lý trong giai đoạn rà soát. Các quy định thực thi then chốt đã có hiệu lực từ tháng 9 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016. Cải cách hệ thống kiểm soát xuất khẩu tiếp tục được triển khai. Mục tiêu của Sáng kiến Cải cách kiểm soát xuất khẩu là đạt được phân bổ lại các nguồn lực nhằm cải thiện kiểm soát các mặt hàng nhạy cảm. Hệ thống kiểm soát xuất khẩu mới được thực thi đầy đủ sẽ dựa vào danh mục kiểm soát thống nhất, cơ quan cấp phép thống nhất, nền tảng công nghệ thông tin tích hợp để cấp phép và thực thi, trung tâm phối hợp thực thi thống nhất. Hoa Kỳ không có phân cấp khung pháp lý quản lý ở cấp liên bang và tiểu bang. Hỗ trợ của liên bang thường được thực hiện dưới hình thức bảo lãnh thuế, bảo lãnh cho vay, thay toán trực tiếp. Hội Doanh nghiệp nhỏ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ, quản lý các chương trình hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu.

Hoa Kỳ là một bên tham gia Hiệp định WTO về Mua sắm Chính phủ và giữ vai trò tích cực trong đàm phán dẫn tới Hiệp định sửa đổi về Mua sắm Chính phủ. Mua sắm chính phủ ở cấp liên bang đã được phân cấp, và được thực hiện thông qua hệ thống mua sắm của các cơ quan điều hành. Theo Luật Mua sắm Mỹ năm 1933 (BAA), mua cung ứng và nguyên liệu xây dựng của các cơ quan chính phủ được hạn chế trong cái gọi là “sản phẩm cuối cùng trong nước”, phù hợp với thử nghiệm hai phần phải thiết lập điều khoản về hàng hóa được tạo ra ở Hoa Kỳ, chi phí các cấu phần trong nước vượt quá 50% chi phí của tất cả các cấu phần khác. BAA không áp dụng với dịch vụ. Luật Hiệp định Thương mại năm 1979 bãi bỏ áp dụng BAA đối với sản phẩm cuối cùng ở các quốc gia được chỉ định, bao gồm các bên tham gia Hiệp định Mua sắm Chính phủ, các hiệp định song phương về mua sắm chính phủ, các bên hưởng lợi của Luật Khôi phục kinh tế vùng Caribe (CBERA), các nước kém phát triển. Những ngoại trừ đối với BAA cũng có thể được áp dụng nếu được xác định là ưu đãi trong nước không phù hợp với lợi ích công cộng, trường hợp Hoa Kỳ, không áp dụng nguồn cung hoặc nguyên liệu, hoặc chi phí không hợp lý. Chính sách mua sắm chính phủ của Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ, kể cả doanh nghiệp do phụ nữ là chủ sở hữu, doanh nghiệp nhỏ bất lợi thế.

Hoa Kỳ là nhà sản xuất quan trọng và là nước xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ có sự phát triển về tri thức và sở hữu trí tuệ. Năm 2014, sở hữu trí tuệ chiếm 52% xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ và ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ chiếm 38,2% GDP của nước này. Hoa Kỳ thường thặng dư thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ, được đo lường bằng các loại sử dụng sở hữu trí tuệ. Bảo vệ sở hữu trí tuệ là vấn đề then chốt đối với Hoa Kỳ, và thực thi theo nhiều cơ chế khác nhau, như hiệp định sở hữu trí tuệ song phương và các hiệp định đầu tư, các hiệp định thương mại tự do.

Về các chính sách chuyên ngành, chính sách nông nghiệp của Hoa Kỳ ngày càng tập trung vào bảo hiểm và quản lý rủi ro nhằm tạo sự an toàn cần thiết cho nông dân. Ngành nông nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất thế giới và Hoa Kỳ là nhà xuất khẩu chính nhiều mặt hàng nông nghiệp. Mặc dù tỷ trọng trong GDP nhỏ, nhưng các hoạt động nông nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế trong nước đối với mọi mặt của Hoa Kỳ. Bảo hộ thuế quan bình quân đối với nông nghiệp vẫn cao hơn bảo hộ với hàng phi nông nghiệp. Năm 2016, thuế bình quân đối với sản phẩm nông nghiệp là 9,1% so với 4% của hàng phi nông nghiệp. Luật Nông trại năm 2014 đưa ra một số thay đổi quan trọng đối với hệ thống hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp: xóa bỏ hình thức thanh toán trực tiếp đối với sản xuất cây trồng, thay đổi các chương trình hỗ trợ khác. Một số nhân tố của Luật Nông trại 2014 là: chương trình bù giá, rủi ro nông nghiệp, lựa chọn bổ sung, kế hoạch bảo vệ thu nhập bị mất, chương trình bảo vệ cho nhà sản xuất sữa. Các dữ liệu bước đầu cho thấy tổng thanh toán theo hai chương trình đầu không khác đáng kể so với chi tiêu trong quá khứ.

Ngành dịch vụ tài chính đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính. Phần lớn các thể chế tài chính đã hoàn lại tiền mà họ nhận từ Chương trình hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn khủng hoảng. Vào quý I/2016, chỉ có 16 ngân hàng vẫn được hỗ trợ, trên tổng số 707 ngân hàng đã nhận từ quỹ. Trong giai đoạn rà soát, cải cách dịch vụ tài chính tiếp tục đưa vào Luật cải cách và bảo vệ người tiêu dùng phố Wall Dodd-Frank 2010 và các quy tắc quản lý có liên quan. Luật này hướng tới thúc đẩy sự ổn định tài chính và giải quyết tình trạng doanh nghiệp “quá lớn để có thể bị thất bại”. Luật thiết lập nên khuôn khổ quy định mới và toàn diện với các thị trường mới, thực thể mới và các hoạt động mới. Về tổng thể, Luật đưa ra 390 yêu cầu ban hành quy tắc bởi 20 cơ quan quản lý, tiến trình này vẫn đang diễn ra.

Nguon: Bao Cong Thuong

Tin liên quan