You are here

Công đoàn ngành Công Thương tăng cường vận động Thành lập Công đoàn cơ sở

Trải qua một nhiệm kỳ với nhiều sự biến động về tổ chức, hiện nay Công đoàn ngành có 17 công đoàn cơ sở, trong đó 03 đơn vị hoạt động trong cơ quan hành chính sự nghiệp và 14 đơn vị hoạt động trong đơn vị sản xuất kinh doanh, với trên 1.400 công nhân, viên chức, lao động.

Là đơn vị hình thành từ việc hợp nhất, được kế thừa bề giầy truyền thống, nhưng nếu so sánh với số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn quy mô hiện tại rất khiêm tốn, đây là một trong những hạn chế, ảnh hưởng tới vai trò và các hoạt động của Công đoàn ngành. Do vậy, vận động phát triển đoàn viên, thành lập mới Công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên trong nhiệm kỳ 2013- 2018. Mục tiêu đặt ra đến cuối nhiệm kỳ số lượng đoàn viên phải tăng gấp 1,5 lần so với hiện nay.

Tuy nhiên, từ hoạt động thực tế, Công đoàn ngành cũng đã xác định: việc vận động phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ không dễ dàng. Khó khăn trước hết phải kể tới là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần quy mô nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động phổ thông, một số lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố mùa vụ…dẫn đến lao động trong doanh nghiệp luôn biến động, không ổn đinh. Về chủ quan, cán bộ làm công tác công đoàn chuyên trách mỏng về số lượng, năng lực tổ chức, chỉ đạo còn  nhiều hạn chế, trong khi cán bộ công đoàn cơ sở 100% hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn không nhiều, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, không tạo ra được sự khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn, không có sự hấp dẫn, sự lan tỏa. Một yếu tố khác rất qua trọng là vấn đề bình đẳng trong thực thi chính sách, thực tế đang tồn tại: đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn việc chấp hành các quy định về chế độ, điều kiện làm việc cho người lao động khá nghiêm túc, đồng nghĩa với chi phí tăng hơn so với các đơn vị không có tổ chức công đoàn, chế độ cho người lao động không được thực hiện đầy đủ, nhưng chưa có giải pháp xử lý thỏa đáng, từ đây dẫn đến hệ quả là một bộ phận người sử dụng lao động chưa sãn sàng tạo điều kiện cho thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.

Bên cạnh khó khăn, nhiệm vụ phát triển công đoàn cơ sở tại Công đoàn Ngành Công Thương cũng có những thuận lợi cơ bản: trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII tiếp tục khẳng định lấy Công nghiệp là ngành mũi nhọn, khâu đột phá trong phá triển kinh tế- xã hội, do vậy Ngành Công Thương sẽ nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo của  Đảng bộ và Chính quyền các cấp, sự ủng hộ của các ngành, các địa phương; cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng trong các khu công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện; Đặc biệt tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ cải thiện đáng kể lợi thế địa kinh tế, tăng sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh; tiềm năng  về khoáng sản, lâm sản, thủy điện… tiếp tục được đầu tư khai thác sẽ làm tăng đáng kể quy mô sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đội nghũ công nhân lao động của địa phương sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác các quy định của Luật công đoàn và Bộ luật lao động (sửa đổi) đã có những điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động công đoàn và phong trào công nhân. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Đảng bộ Sở Công Thương, Liên Đoàn lao động tỉnh, Công đoàn Công Thương Việt Nam, sự ủng hộ của Lãnh đạo chuyên môn, tập thể ban chấp hành đoàn kết vì mục tiêu chung.

Trên cơ sở đánh giá thuận lợi, khó khăn và với quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra ngay trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Ban thương vụ, Ban chấp hành Công đoàn Ngành Công Thương đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng một số pháp cơ bản là: mỗi cán bộ làm công tác công đoàn phải quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết  20-NQ/TW về "tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng bộ Sở Công Thương, của Liên Đoàn Lao động tỉnh; tận dụng sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ban giám đốc Sở Công Thương, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn; tổ chức quán triệt tới tất cả các Ủy viên Ban chấp hành về nhiệm vụ vận động phát triển công đoàn cơ sở, coi đây là nhiệm vụ chung xuyên suốt. Mỗi một Ủy viên Ban chấp hành sẽ được giao nhiệm vụ truyên truyền vận động ở một đơn vị cụ thể. Khi triển khai tuyên truyền tại cơ sở nhất thiết phải xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chon phương thức linh hoạt, trên cơ sở nắm vững chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật để tuyên truyền, lấy lợi ích của người lao động làm mục tiêu hành động. Việc vận động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp phải được tiến hành theo phương châm kiên trì thuyết phục, vận động, làm cho người sử dụng lao động nhận thức được tính cần thiết của tổ chức Công đoàn, nêu dẫn chứng về các CĐCS trong ngành đã hoạt động tốt để tăng tính thuyết phục. Thường trực công đoàn ngành sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các biểu mẫu thành lập CĐCS theo quy định, trực tiếp cùng tập thể người lao động giải quyết mọi công việc liên quan đến trình tự thủ tục thành lập công đoàn cơ sở, phù hợp với điều kiện của mỗi doanh nghiệp; chú trọng công tác củng cố hoạt động tại các công đoàn cơ sở hiện có, từ đó tạo ra sự lan tỏa trong phong trào công nhân viên chức lao động toàn ngành, xây dựng tổ chức công đoàn trở thành điểm tựa cho người lao động và cũng là đối tác tin cậy, thân thiết của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động, trên cơ sở quy định của pháp luật.

Với sự thống nhất trong nhận thức, có các giải pháp triển khai phù hợp nên chỉ tính từ sau Đại hội, Công đoàn ngành đã vận động thành lập được 04 công đoàn cơ sở, với 200 đoàn viên. Kết quả này bước đầu đã khẳng định hướng đi của Công đoàn ngành là phù hợp và mục tiêu vận động thành lập công đoàn cơ sở do Đại hội Công đoàn Ngành Công Thương lần thứ II đề ra sẽ trở thành hiện thực, góp phần củng cố vị trí vai trò của Tổ chức công đoàn trong sự nghiệp phát triển Ngành Công Thương nói riêng và phát triển kinh tê- xã hôi tỉnh Yên Bái nói chung.

Nguồn: Công đoàn ngành Công Thương