Bạn đang ở đây

Ngày này năm xưa 7/11: Việt Nam chính thức là thành viên WTO, Kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga

07/11/2022 14:10:31

Sự kiện trong nước

Ngày này năm xưa 7/11: Việt Nam chính thức là thành viên WTO, Kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga

Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh: TTXVN

- Ngày 7/11/2006: Trong phiên họp đặc biệt tại Geneve (Thụy Sĩ), ông Eirik Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO đã gõ búa chính thức xác nhận Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này. Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, Việt Nam chính thức bước vào ngôi nhà chung của Tổ chức Thương mại thế giới.

Việc gia nhập WTO đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các thị trường thế giới, thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tự do hoá tài chính.

Vào thời khắc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã có bài phát biểu: "Tôi rất vinh dự thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO hôm nay và chứng kiến lễ ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu Việt Nam từ nay tham gia một cách bình đẳng vào thể chế thương mại toàn cầu. Sự kiện này thể hiện tình cảm nồng hậu mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, đặc biệt là sự đánh giá cao đối với thành quả mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế-xã hội và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm mục đích: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", cũng như những đóng góp của Việt Nam vào xu thế hợp tác vì hòa bình và phát triển trên thế giới”.

Sau phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, lễ ký kết Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam bắt đầu. Bộ trưởng Bộ Thương mại (bây giờ là Bộ Công Thương) Trương Đình Tuyển thay mặt Chính phủ Việt Nam đã chính thức ký kết văn kiện này cùng với Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

- Ngày 7/11: Ngày truyền thống của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Theo công bố tại buổi họp báo, ngày 12/9/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 40 về việc công nhận ngày 7/11/1948 là Ngày truyền thống của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (tiền thân là Liên chi cơ quan Trung ương)

- Ngày 7/11/2011, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng Tham mưu) được thành lập. Đây là cơ quan đầu ngành quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT) trong quân đội, nhằm đẩy nhanh ứng dụng, phát triển CNTT, bảo đảm an toàn thông tin và một số nhiệm vụ khác. Ngày 15-8-2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1198/QĐ-TTg thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng, trực thuộc Bộ Quốc phòng (mang phiên hiệu Bộ tư lệnh 86) trên cơ sở tổ chức lại Cục Công nghệ thông tin.

Bộ tư lệnh 86 là đơn vị chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo về tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin.

Ngày này năm xưa 7/11: Việt Nam chính thức là thành viên WTO, Kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng cạnh Bác Hồ trong lần Người đến thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây vào ngày 20/4/1963.

- Ngày 7/11/1968: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh nǎm 1909 tại Quy Nhơn hy sinh tại chiến trường Tây Ninh.

Sau Cách mạng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Nǎm 1958 ông lại làm Bộ trưởng Y tế kiêm Viện trưởng Viện chống lao Trung ương, rồi Chủ tịch Uỷ ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ông còn là người có nhiều hoạt động trong lĩnh vực y học quốc tế. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình khoa học phòng và chống bệnh lao ở Việt Nam.

- Ngày 7/11/1975, Hội nghị Đại biểu phụ nữ toàn miền Nam họp tại thành phố Sài Gòn - Gia Định. Hội nghị kiểm điểm phong trào phụ nữ trong 20 nǎm chống Mỹ cứu nước và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác trong giai đoạn xây dựng mới, khi nước nhà đã thống nhất.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 7/11/1917 đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Ngày này năm xưa 7/11: Việt Nam chính thức là thành viên WTO, Kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga
V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918Ảnh: tư liệu TTXVN

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội duy nhất trong lịch sử thực hiện được mục tiêu: Giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại. Nhờ đó, con người được sống với đúng nghĩa là con người, phẩm giá, lương tri, danh dự, công bằng và lẽ phải được tôn trọng; hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc đã được tìm thấy giá trị đích thực; tài năng sáng tạo của con người được thừa nhận và phát huy.

Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

- Ngày 7/11/1996: Tàu thăm dò Sao Hỏa Mars Global Surveyor (MGS) của NASA được phóng lên từ mũi Canaveral bắt đầu hành trình gần 750 triệu ki-lô-mét đến Sao Hỏa.

- Ngày 7/11/1867 là ngày sinh của nữ bác học Mari Quyri. Bà sinh tại Vácxava (Ba Lan) và từ trần nǎm 1934.

Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp Pari, Mari cùng với chồng là Pie Quyri nghiên cứu hiện tượng phóng xạ. Do phát minh xuất sắc trong lĩnh vực này, bà đã được trao tặng học vị Tiến sĩ khoa học vật lý, cùng với một người bạn là Béccơren, hai ông bà đã tiến hành các nghiên cứu về tính phóng xạ và đã được nhận giải Nôben nǎm 1903 do đã khám phá ra chất Radi và Pôlôni. Pie bị xe ngựa chở hàng đè chết nǎm 1906. Mari thay ông học ở Đại học Xoócbon và lại được nhận một giải Nôben về hoá học nǎm 1911. Từ nǎm 1926, Mari Quyri là Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Liên Xô (cũ).

- Ngày 7/11/1913 cũng là ngày sinh của Anbe Camuy (Albert Camus) - nhà vǎn hiện đại Pháp, ông sinh tại Angiêri. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông tham gia nhóm "Chiến đấu" trong phong trào chống phát xit và là Tổng biên tập báo "Chiến đấu". Ngày 17/10/1957, ông được trao giải Nôben do tác phẩm của ông đã "mang ra ánh sáng những vấn đề hiện nay đang đặt ra trước lương tâm con người ". Ông mất ngày 4/1/1960.

Sự kiện về Bác Hồ

- Ngày 7/11/1939, Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh Hồ Quang rời Quý Dương thủ phủ tỉnh Quý Châu đến Trùng Khánh, đại bản doanh của Chính phủ Quốc dân đảng để nắm bắt và đối phó với chính sách của Trung Hoa Quốc dân đảng đối với Đông Dương.

- Ngày 7/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ và tiếp đoàn đại biểu “Công giáo Cứu quốc” đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của tổ chức này sẽ họp tại Phát Diệm.

- Ngày 7/11/1946, trên báo “Cứu Quốc”, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, Bác “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Cùng ngày, Bác tham gia “Lễ Mùa Đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân tổ chức nhằm huy động toàn dân chăm lo lực lượng vũ trang của quốc gia.

- Tháng 11/1953, trả lời một nhà báo Thụy Điển nhân Quốc hội Pháp đưa ra khả năng dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Bác đưa ra thông điệp: “Đó là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, song nước trung lập nào muốn hòa giải phải dựa trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng và chủ quyền của Việt Nam”.

Ngày này năm xưa 7/11: Việt Nam chính thức là thành viên WTO, Kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên-Xô (tháng 7-1955)

- Ngày 7/11/1954, tại buổi chiêu đãi do Sứ quán Liên Xô tổ chức tại Hà Nội mới giải phóng, Bác khẳng định: “Cách mạng tháng Mười đã mở đường giải phóng cho giai cấp lao động và cho các dân tộc bị áp bức khắp thế giới. Cách mạng tháng Mười đã soi sáng cho họ một tương lai vẻ vang, hòa bình và hạnh phúc, không có người bóc lột người, không có dân tộc này áp bức dân tộc khác...

Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”.

- Ngày 7/11/1960 và 1961, Bác đều có mặt tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva để cùng nhân dân Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười.

- Ngày 7/11/1962, trong bài viết “45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang” gửi cho báo “Pravda” (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nhấn mạnh vì ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại “đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; Thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; Thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; Thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới”.

- Ngày 7/11/1967, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân Hà Nội lập công xuất sắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.500 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, coi đó là thành tích thiết thực kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười.

- Ngày 7/11/1968, Bác dự cuộc họp của Bộ Chính trị về việc đấu tranh ngoại giao sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và nhấn mạnh “phải nghiên cứu kỹ sức ta thế nào và phải đánh cho tốt”.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan