Bạn đang ở đây

Hà Giang: Hỗ trợ triển khai các mô hình trình diễn

05/05/2022 07:59:59

Dành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhất là sản phẩm mới, khuyến công Hà Giang đã và đang hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa công nghiệp nông thôn.

Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2022 của Hà Giang bao gồm 11 đề án và 2 nhiệm vụ chi khác với tổng kinh phí thực hiện 4,178 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ 1,623 tỷ đồng. 11 đề án thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, trong các lĩnh vực như: Chế biến chè, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc và hàng tiêu dùng khác…

Hà Giang: Hỗ trợ triển khai các mô hình trình diễn
Đưa máy móc vào sản xuất, chế biến chè

Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, nhất là với các cơ sở sản xuất sản phẩm mới từ đó đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là nội dung được Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương Hà Giang (Trung tâm) triển khai đạt hiệu quả cao trong nhiều năm qua.

Đơn cử năm 2021, cũng từ nguồn vốn khuyến công địa phương, Trung tâm đã hỗ trợ Hợp tác xã Thương mại vận tải Tuấn Băng (huyện Xín Mần) 3 máy sao chè bằng gas. Sau khi được đầu tư và đưa vào hoạt động, thiết bị này đạt công suất 50 tấn chè xanh/năm.

Hay Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ nông, lâm nghiệp Cốc Rế (huyện Xín Mần) cũng được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tư vấn thiết kế nhãn mác bao bì trong sản xuất và chế biến mật ong. Theo đó, 1 máng lọc thô, 1 máy lọc tinh 400l/giờ, 1 máy phá kết tinh 300 kg/mẻ được đầu tư, đã cải thiện đáng kể năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của hợp tác xã.

Hà Giang là tỉnh miền núi, số lượng, quy mô cũng như năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn còn hạn chế. Việc ưu tiên đầu tư công nghệ, hiện đại dần sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp là định hướng dài hạn đã được tỉnh đưa ra trong Chương trình khuyến công Hà Giang giai đoạn 2021-2025.

Chương trình cũng đưa ra những mục tiêu rất cụ thể cho nội dung này. Theo đó, hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trong các ngành nghề chế biến sản phẩm chủ lực, tiêu biểu; chế biến sản phẩm OCOP; sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông - lâm - thủy sản và thực phẩm sạch; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 70 cơ sở công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến công Hà Giang cũng triển khai hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; tư vấn phát triển công nghiệp và định hướng đầu tư, lựa chọn công nghệ sản xuất trong các đề án khuyến công.

Với vai trò là đơn vị thường trực, chủ trì triển khai chương trình, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công Thương tỉnh nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, kiểm tra hoạt động khuyến công trên địa bàn; tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương cho phù hợp; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, chủ trì xây dựng các đề án nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả cho các đề án.

Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến Công Thương Hà Giang đang tích cực triển khai kế hoạch khuyến công địa phương năm 2022, giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng, tận dụng nhu cầu thị trường đang hồi phục trở lại sau dịch bệnh.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan