Bạn đang ở đây

Xuất khẩu dệt may: Khó bứt phá

24/04/2020 09:46:26

Quý I/2020, tình hình xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam không khả quan: Kim ngạch xuất khẩu (XK) giảm 9,07%, nhập khẩu (NK) giảm 16,59% và giá trị thặng dư thương mại cũng giảm 0,62% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu giảm kéo theo hàng loạt khó khăn cho DN, đặc biệt hiện tượng các nhà mua hàng ở châu Âu và Mỹ hoãn, hủy đơn hàng bắt đầu từ 2 tuần cuối tháng 3 đến nay đã khiến doanh thu giảm mạnh. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khoản thiếu hụt từ XK đã khiến doanh thu trong quý I giảm 7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 20% kế hoạch năm.

xuat khau det may kho but pha
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm nay dự báo giảm 15% so với năm 2019

Theo phân tích của ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Điều hành Vinatex, tại các nước châu Âu và Mỹ do tác động của biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ vẫn chưa được mở cửa cho đến đầu tháng 5, dẫn đến đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có. Những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân - Hè, dự kiến hết dịch thời tiết đã sang Thu nên khả năng cao sẽ bị hủy, thời gian hoãn hợp đồng cũng cũng kéo dài lên đến 3 - 6 tháng.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra dự báo không mấy tích cực, dự kiến kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 33 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2019.

Ở quy mô thế giới, dự báo, các đơn hàng dệt may toàn cầu năm 2020 giảm 29%. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến DN không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng. “Ở thời điểm hiện tại, thách thức lớn nhất đối với DN dệt may toàn cầu là dòng tiền. Dòng tiền nằm ở hàng hóa, vòng quay luân chuyển hàng hóa bị dừng đồng nghĩa không có dòng tiền” - ông Cao Hữu Hiếu nói.

Dịch Covid-19 gây tác động xấu nhưng cơ hội cũng xuất hiện với một số DN, chủ yếu là DN ngành may chuyển đổi sang sản xuất hàng phục vụ lĩnh vực y tế, phòng dịch. Thậm chí đã có DN ký được hợp đồng XK với giá trị không nhỏ. Việc Tổng công ty May 10 ký được hợp đồng XK 400 triệu chiếc khẩu trang với trị giá 52 triệu USD đã thổi bùng xu hướng sản xuất, XK sản phẩm phòng dịch trong cộng đồng DN dệt may trong nước.

Vinatex cũng đang xúc tiến XK dòng khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn sang một số quốc gia châu Âu như: Séc, Hungary, Canada và Mỹ. Với năng lực sản xuất có thể đạt 90-100 triệu chiếc khẩu trang/tháng, việc đáp ứng các đơn hàng XK lớn của Vinatex không khó. Theo lãnh đạo Vinatex, ở thời điểm hiện tại, đây là một trong các giải pháp giúp DN duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất.

Tuy nhiên, XK sang châu Âu hay Mỹ nhiều khách hàng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn như CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe và bảo vệ môi trường) hay FDA (giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Mỹ), do đó lãnh đạo Vinatex khuyến cáo: Các DN cần căn cứ tình hình thực tế để quyết định và có kế hoạch sản xuất, bởi thủ tục lấy các chứng nhận trên sẽ tốn thêm chi phí và có độ trễ về thời gian.

Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Điều hành Vinatex:

Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, trên cơ sở đó cộng đồng DN mong muốn, các bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực thi thuận lợi, giúp DN vượt qua khó khăn.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan