Bạn đang ở đây

Văn Yên: Nhiều chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc

13/11/2019 08:57:17
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Ngòi A, tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Ngòi A, tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn.

 

Văn Yên là huyện miền núi với 12 dân tộc sinh sống, địa bàn rộng, 26 xã và 1 thị trấn với 172 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó 10 xã, 49 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK). 

 

Thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS của Đảng, Nhà nước, huyện đã triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc như: Chương trình 135, tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2019 trên 156 tỷ đồng.

 

Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên 118 tỷ đồng với 222 công trình như: đường giao thông, điện, trường học, nhà văn hóa thôn, thủy lợi… Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên 31 tỷ đồng, đầu tư hỗ trợ cho 10.182 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo mua sắm máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… phục vụ sản xuất; vốn duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư trên 6,3 tỷ đồng, đã tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng 36 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt… 

 

Thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã triển khai dự án định canh, định cư tập trung tại thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng với kinh phí 6 tỷ đồng; các công trình được đầu tư đã tạo điều kiện cho 69 hộ DTTS nơi đây ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Qua việc triển khai các chương trình, đề án, chính sách, những năm gần đây là đời sống đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) mới vào trồng trọt, chăn nuôi. 

 

Huyện đã xây dựng Đề án sản xuất nông - lâm nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.000 ha tập trung ở các xã: Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh, Đông Cuông và xây dựng thương hiệu gạo Chiêm hương Đại - Phú - An. 

 

Trong đó, cây ngô được đưa vào trồng bằng những giống mới tiềm năng, với diện tích 6.000 ha/năm, mang lại sản lượng gần 23.000 tấn/năm; cây quế, diện tích trên 45.000 ha, hàng năm đưa vào trồng mới và khai thác trung bình 2.000, sản lượng khai thác trung bình đạt 6.500 tấn quế vỏ khô, 70.000 tấn lá quế, 300 tấn tinh dầu quế… mang lại cho nhân dân nguồn thu nhập trên 700 tỷ đồng/năm; cây sắn, diện tích 4.500 ha, tập trung trồng ở 13 xã gồm: Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Lâm Giang, Đông An, Quang Minh, Đông Cuông… hàng năm, sản lượng sắn củ tươi đưa ra thị trường tiêu thụ trên 100.000 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 150 tỷ đồng/năm. 

 

Bên cạnh những cây trồng chủ lực, huyện Văn Yên đang tập trung đẩy mạnh việc trồng một số loại cây ăn quả có múi với diện tích đề ra đến năm 2020 đạt 600 ha; cây dâu tằm 100 ha và gần 400 ha tre măng Bát độ… 

 

Để nâng cao nhận thức cho người dân vùng DTTS, các ngành các cấp của huyện còn mở các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước cho trên 10.000 người dân tham gia. Ngoài ra, người dân thuộc hộ nghèo ở vùng ĐBKK còn được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện; người nghèo, người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; con em đồng bào DTTS đi học được xét miễn giảm học phí và được hưởng các chế độ chính sách khác giúp hộ DTTS ổn định cuộc sống. 

 

Ông Lý Văn Ngọc - Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: "Những năm qua, các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn đều đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS được tiếp cận KHKT, được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Từ các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng ĐBKK, đến nay 100% các xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất, trường học, trạm y tế cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân… Các chương trình dự án đã triển khai góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 5% hộ nghèo”.

Nguồn: báo Yên Bái

Tin liên quan