Bạn đang ở đây

Thương mại điện tử: Bứt tốc mạnh mẽ

10/01/2020 08:37:30

Nhiều gam màu sáng

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - khẳng định, sau 20 năm internet vào Việt Nam, đến nay, TMĐT Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống.

thuong mai dien tu but toc manh me

Thống kê từ Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Là địa phương có tốc độ phát triển TMĐT vượt trội, Hà Nội hiện có số lượng doanh nghiệp ứng dụng TMĐT nhiều nhất cả nước… Đến nay, đã có trên 8.700 website/ứng dụng TMĐT của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động trên địa bàn, trong đó có 300 website sàn giao dịch TMĐT, chiếm khoảng 44% số lượng sàn giao dịch TMĐT trên cả nước.

Tại TP. Hồ Chí Minh, cũng có khoảng 130.000 website hoạt động, trong đó gần 9.000 website TMĐT đăng ký với Bộ Công Thương. Doanh số mua bán trực tuyến trên địa bàn chiếm 8,14% tổng mức bán lẻ hàng hóa, chiếm khoảng 40% tổng doanh số giao dịch TMĐT cả nước.

Đưa ra những xu hướng phát triển TMĐT hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải thông tin thêm, TMĐT là một trong những chìa khóa để tăng trưởng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ đã tận dụng được mạng xã hội và TMĐT để bán hàng đi nhiều quốc gia, giúp giảm bớt khâu trung gian và chi phí, từ đó đem hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng và đạt lợi nhuận cao nhất.

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh thương mại quan trọng cho việc xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, có tới 32% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Các doanh nghiệp TMĐT cũng từ đó mà phát triển nhanh và lớn mạnh, hòa thêm gam màu sáng cho bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Năm 2020, phát triển TMĐT theo chiều sâu

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, việc phát triển và đa dạng hóa kênh phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp để mở rộng thị trường là một trong những mục tiêu mà TMĐT cần hướng tới.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, phần lớn doanh nghiệp TMĐT trong nước vẫn đứng ngoài cuộc. Có tới 82% các doanh nghiệp của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc với TMĐT, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu khi đất nước đã và đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, trên cơ sở những thành tựu đạt được trong các giai đoạn trước và triển vọng phát triển của lĩnh vực TMĐT trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình tổng thể phát triển TMĐT quốc gia cho giai đoạn tiếp theo (giai đoạn 2021-2025). Trong đó, chú trọng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển TMĐT theo chiều sâu, khuyến khích doanh nghiệp TMĐT tiên phong tập trung phát triển ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở đó, đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, bao gồm hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics, hạ tầng chứng thực và giao dịch đảm bảo cho TMĐT; phát triển giải pháp thanh toán đảm bảo trong TMĐT, khuyến khích sử dụng thanh toán điện tử khi giao dịch trực tuyến; tăng cường quản lý nhà nước đối với thanh toán xuyên biên giới trong TMĐT.

Quan trọng hơn, phải hỗ trợ phát triển TMĐT tại các vùng, tuyến, hành lang kinh tế trọng điểm; tập trung đẩy mạnh ứng dụng TMĐT đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; xây dựng đề án và hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong một số ngành sản xuất và dịch vụ chính, từ đó nhân rộng các mô hình ứng dụng TMĐT thành công sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để phát triển TMĐT trong năm 2020 đi đúng hướng, đem lại lợi ích bền vững cho các doanh nghiệp, các bộ, ngành chức năng cần phải phát triển cũng như đảm bảo được các yêu cầu về: Xây dựng kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo phát triển nguồn nhân lực triển khai được nền tảng ứng dụng trong TMĐT.

5 năm tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định TMĐT là một phương thức kinh doanh quan trọng. Ngoài ra, các hiệp định thương mại quốc tế đều đề cập sâu đến TMĐT, đòi hỏi lĩnh vực này phải phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan