Bạn đang ở đây

Thúc đẩy xuất khẩu: Phát huy vai trò của doanh nghiệp FDI

07/11/2019 10:13:10

Sức vươn của DN trong nước

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, thời gian qua, chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hướng về XK đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao rõ rệt năng lực XK, đặc biệt là trong công nghiệp, qua đó giúp chúng ta từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2001, XK của khu vực ĐTNN đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Tỷ trọng XK của khu vực này tăng dần, trở thành nhân tố chính thúc đẩy XK, đạt khoảng 57,2% năm 2007 và khoảng 71,4% vào năm 2018 trong tổng kim ngạch XK.

thuc day xuat khau phat huy vai tro cua doanh nghiep fdi
Đầu tư nước ngoài tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu

Tuy vậy, kết quả tăng trưởng XK những năm gần đây của Việt Nam cũng đã thể hiện rõ sự đóng góp của khối DN trong nước. Trong những năm gần đây, XK của khối DN trong nước đã có sự tăng trưởng cao hơn khối DN FDI và cao hơn mức tăng trưởng chung. Cụ thể, kim ngạch XK năm 2018 của khối DN trong nước đạt 69,7 tỷ USD, tăng 16,8%.

9 tháng đầu năm 2019, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối DN FDI (đạt 5%), đạt 59,6 tỷ USD. Kết quả này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của DN, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, mặc dù việc tham gia của khu vực FDI trong XK còn những hạn chế nhất định, song cũng cần khẳng định những tác dụng, đóng góp rất lớn của khu vực này đối với Việt Nam trong thời gian qua. Cụ thể, ĐTNN góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng XK theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng...). Trước năm 2003, dầu thô chiếm tới gần một nửa XK của khu vực ĐTNN. Từ năm 2007, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch XK chỉ còn khoảng 7%, phản ánh sự điều chỉnh cơ cấu ĐTNN hướng tới các hoạt động chế tạo định hướng XK. ĐTNN cũng tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường XK, góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế nhập siêu.

Phát huy vai trò của DN FDI trong XK

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội khẳng định, vấn đề quan trọng cần lưu tâm là cơ cấu của khu vực FDI trong XK; Việt Nam đã thu nhận được gì về công nghệ sản xuất, kỹ năng quản trị, liên kết với các ngành sản xuất và dịch vụ khác trong nước, về giá trị để lại để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải thông tin, để góp phần xử lý được vấn đề này, bộ xác định sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp. Cụ thể, hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các DN FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chú trọng việc phát huy tác động lan tỏa của các DN FDI đối với sản xuất trong nước, tạo điều kiện để DN trong nước tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện điều này, Bộ trao đổi, khuyến khích DN FDI lớn liên doanh, liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho DN trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống các trường đại học, cao đẳng trực thuộc đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát và tháo bỏ một số rào cản gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không còn nhu cầu bảo hộ, qua đó phát huy hiệu quả của thu hút, sử dụng nguồn lực đầu tư FDI cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan