Bạn đang ở đây

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân “đói cơm lạt muối”!

06/04/2020 08:14:21

Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 05/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn” và yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện gói hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong đó phải làm rõ mức hỗ trợ, thời gian, nguồn và đối tượng hỗ trợ để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi ban hành.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ tập trung cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Dự thảo này đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào ngày 01/4) đã được Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với một số Bộ, ngành rà soát kỹ, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện để trình Thủ tướng ký ban hành.

thu tuong nguyen xuan phuc khan truong ho tro nguoi dan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải hoàn thiện và triển khai ngay gói hỗ trợ vì “cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”

Tại cuộc họp chiều nay, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Theo đó, quan điểm chung là cần thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ vì đời sống của người dân và người lao động đang rất khó khăn.

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị định, đại diện các Bộ, ngành đồng tình với các nội dung chính, như: Mức hỗ trợ, thời gian, nguồn và đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Đồng thời nêu vẫn đề cần tiếp tục rà soát để bổ sung các nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn nhưng chưa thuộc diện hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc làm. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối”, đây cũng là giải pháp “dưỡng sức”, tái sản xuất sức lao động cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các Bộ: KH&ĐT; Lao động- Thương binh và Xã hội; Tài chính; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo theo chức năng nhiệm vụ được giao của từng cơ quan. Bênh cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan xây dựng ngay báo cáo tổng quát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền, trong đó có việc xử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

thu tuong nguyen xuan phuc khan truong ho tro nguoi dan
Thường trực Chính phủ thống nhất về quy định mức hỗ trợ, thời gian, nguồn và đối tượng hỗ trợ được nêu trong dự thảo Nghị định

Về đối tượng được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, Thủ tướng cho biết cơ bản thống nhất với đề xuất 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ, trong đó có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Nhà nước và 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động.

Liên quan đến đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung các nhóm đối tượng khác, Thủ tướng chỉ rõ, “nhân vô thập toàn”, do đó, nếu còn sót đối tượng thì sẽ tiếp tục bổ sung. Trong khi đó, về thời gian hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, các ý kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều này cơ bản nhất trí với tinh thần được Bộ KH&ĐT trình. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện chi trả các khoản hỗ trợ phải thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên, như: giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Cùng đó, sẽ sử dụng nguồn từ tăng thu ngân sách 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.

“Trong Nghị quyết phải nêu rõ từng nguồn tiền, các thức phân bổ” – Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu, các cấp ngân sách đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ có Trung ương.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết. Các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc giám sát, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.

“Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân” - Thủ tướng nói và nêu ví dụ, riêng ngành điện lực đã hỗ trợ hơn 11.000 tỷ đồng qua giá điện, ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng… và đề nghị các doanh nghiệp cần chung tay với Nhà nước để thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan