Bạn đang ở đây

Tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường nông sản

20/04/2020 08:09:38

Tác động của dịch Covid-19 bùng phát đã khiến các giao dịch thương mại nông sản qua biên giới Việt - Trung bị tắc nghẽn, tuy nhiên dịch bệnh cũng là thời điểm cho thấy, Việt Nam cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường như: châu Phi, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản,... để tránh rủi ro vì phụ thuộc vào một số ít những thị trường nhất định.

Xuất khẩu giảm

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 2/2020 ước đạt 232 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2020 đạt 513 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2020 với 61,8% thị phần.

Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 2/2020 ước đạt 101 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 215 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Úc và Myanmar là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam, với tổng tỷ trọng chiếm 80,5% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam.

Trong tháng 2/2020, thị trường rau quả trong nước biến động thất thường với từng loại rau quả khác nhau. Đối với mặt hàng rau củ, tại tỉnh Lâm Đồng - nơi cung cấp rau củ lớn nhất cả nước có nhiều biến động. Trong khi các loại nông sản như hành tây, cà chua, xà lách, súp lơ có giá cao từ 17.000-35.000 đ/kg thì bắp cải chỉ còn 1.000 đ/bắp, ớt chuông rớt giá còn 8.000 đồng/kg.

tai co cau da dang hoa thi truong nong san
Do tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu các loại rau quả gặp khó khăn

Theo nhận định của các ngành liên quan, nguyên nhân giá những loại rau quả này giảm là do nhiều vùng khác trong nước cũng sản xuất được. Hơn nữa, do tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất khẩu các loại rau này sang thị trường Trung Quốc, Campuchia gặp nhiều khó khăn dẫn đến các thương lái đồng loạt ngưng gom hàng.

Đối với một số mặt hàng trái cây như thanh long, mít, sầu riêng… vào thời điểm đầu tháng do khó khăn về công tác vận chuyển thông quan qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung, giá đã giảm sâu xuống 5-6 lần. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, như kêu gọi các doanh nghiệp trong nước thu mua, trao đổi với phía bạn - Trung Quốc, mở lại cửa khẩu với sự kiểm soát chặt chẽ, giá thành những trái cây này đã tăng trở lại.

Mở rộng thị trường tiềm năng

Đến nay, ngành rau quả vẫn quá phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, đã khiến cho không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nhà vườn gặp nhiều khó khăn mỗi khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu. Điều này cho thấy cần phải tái cơ cấu thị trường, mở cửa và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường như: châu Phi, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản,... để tránh rủi ro vì phụ thuộc vào một số ít thị trường nhất định.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: Với các thị trường mới và tiềm năng, theo thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2019 xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Thái Lan, châu Phi… đã có những tín hiệu tích cực. Trong đó, ở thị trường Mỹ, lần đầu tiên trái xoài của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn để thâm nhập, còn ở châu Phi, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng song yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa khá dễ tính so với các khu vực khác. Với Thái Lan, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào nước này đạt 74,94 triệu USD, tăng mạnh tới 66,3% so với năm 2018.

“Nghị viện EU đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU vào ngày 12/2/2020. Đây là cơ hội cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả bởi mặt hàng này sẽ được xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực”, ông Nguyên chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - ông Wilem Schoustra – Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam - cho biết: Việt Nam có rất nhiều DN lớn về sản xuất chế biến rau củ quả. Tuy nhiên các DN này cần phải tích cực nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Hiện các DN Hà Lan có thể hỗ trợ cho các DN Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm chế biến rau quả.

tai co cau da dang hoa thi truong nong san
Ông Wilem Schoustra – Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam

Theo ông Wilem Schoust, Việt Nam có rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á. Hiệp định EVFTA và IPA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN lĩnh vực rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Á – Âu.

Ông Wilem Schoustra đánh giá cao về năng lực chế biến sản xuất rau quả của các DN Việt Nam. Tuy nhiên ông cho rằng, Việt Nam đang cần các nhà đầu tư lớn về sản xuất rau quả nhằm đẩy mạnh sản lượng chế biến, đặc biệt là khâu đóng gói và sau chế biến giúp sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời DN cần từng bước trang bị kiến thức, kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau.

Với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các DN của hai nước, cơ hội hợp tác giữa hai nước với nhau. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội, ông Willem Schoustra cho rằng, Việt Nam và Hà Lan cần hợp tác với nhau để cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan