Bạn đang ở đây

Quảng Bình: Sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp, người tiêu dùng

05/05/2020 07:50:31

Đi vào hoạt động từ tháng 6/2013, đến nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT) tỉnh Quảng Bình (thuộc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại - Sở Công Thương Quảng Bình) có hơn 130 doanh nghiệp đăng ký thành viên tham gia với hàng trăm các sản phẩm được đăng tải, quảng bá.

Cầu nối giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng

Sàn GDTMĐT tỉnh Quảng Bình (website:quangbinhtrade.vn) ra đời là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi thông tin, quảng bá thương hiệu và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Sàn GDTMĐT.

quang binh san giao dich thuong mai dien tu ket noi doanh nghiep nguoi tieu dung
Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình - quangbinhtrade.vn

Ông Lê Mậu Khánh – Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại - cho biết, khi tham gia các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đăng ký miễn phí thành viên trên Sàn GDTMĐT và cập nhật sản phẩm; hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật xử lý hình ảnh, đăng tải thông tin, sản phẩm, hỗ trợ xây dựng mới website thương mại điện tử cho các doanh nghiệp thành viên. Đồng thời, tổ chức hội nghị, tập huấn cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thi hành pháp luật về thương mại điện tử; kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử… Bên cạnh đó, còn tiến hành điều tra, khảo sát… nhằm thu thập các thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp, tổng hợp, đánh giá, qua đó xây dựng định hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất – kinh doanh.

“Tuy nhiên, để đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và không chỉ về vấn đề kinh phí, vốn đầu tư mà cần phải đào tạo tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp được giao phụ trách công tác thương mại điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh tập trung xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước; phổ biến, tuyên truyền quảng bá về Sàn GDTMĐT và lợi ích của ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh và giao dịch mua bán đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, ông Khánh nhấn mạnh.

Tìm “đầu ra” cho doanh nghiệp

Thời gian qua, diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với tác động dịch Covid-19, Sàn GDTMĐT Quảng Bình đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến bán hàng, tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Với những ưu thế nổi bật như nhanh, tiện dụng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, thương mại điện tử đã trở thành công cụ quan trọng mang lại hiệu quả tích cực với nhiều ngành hàng, trong đó có lĩnh vực nông thủy sản – một thế mạnh của tỉnh Quảng Bình. 3 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, giảm sút, trái lại số lượng giao dịch trên sàn GDTMĐT vẫn duy trì ổn định.

quang binh san giao dich thuong mai dien tu ket noi doanh nghiep nguoi tieu dung
Sản phẩm của các doanh nghiệp được giới thiệu trên Sàn GDTMĐT Quảng Bình

Bà Nguyễn Thị Như Mận – Giám đốc Công ty TNHH Như Mận - cho biết, từ khi tham gia sàn GDTMĐT Quảng Bình và được hỗ trợ miễn phí đăng ký thành viên, doanh nghiệp không phải tốn kém chi phí nhiều cho việc quảng cáo, đầu tư hoặc thuê cửa hàng, mặt bằng, kho chứa, nhân viên phục vụ, tiết kiệm được chi phí in ấn brochure, catalogue... công ty có thể cung cấp thông tin, bảng báo giá cho đối tượng khách hàng một cách cực kỳ nhanh chóng, tạo điều kiện cho khách hàng mua hàng trực tiếp từ trên mạng. Nhờ vậy, không chỉ chúng tôi mà tất cả thành viên tham gia Sàn đều nhận thấy sản phẩm của đơn vị mình được thị trường đón nhận tích cực hơn, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Với hơn 130 doanh nghiệp đăng ký thành viên tham gia với hàng trăm các sản phẩm được đăng tải, cùng một số sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng, có tiềm năng trên thị trường nông sản trong nước, nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách như: nấm sạch Tuấn Linh, đũa gỗ Quảng Thủy, cao cà gai leo; miến dong Sông Son... đưa thương hiệu nông sản Quảng Bình tới nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...

Ông Lê Mậu Khánh cho biết thêm, việc cho ra đời và đưa vào vận hành Sàn GDTMĐT Quảng Bình là một bước đi quan trọng và đúng với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đây cũng là bước đi kịp thời và thiết thực trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và thuận lợi, giúp doanh nghiệp có cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“Thời gian tới, để khai thác tốt hiệu quả của Sàn GDTMĐT, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tiếp tục tập trung và đầu tư sâu vào việc xây dựng và phát triển nội dung Sàn ngày càng phong phú, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến hoạt động của Sàn hơn nữa. Đồng thời, quan tâm đến việc đầu tư mẫu mã, trang thiết bị hiện đại để cải tiến sản xuất, giữ thương hiệu và uy tín cho sản phẩm”, ông Khánh nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan