Bạn đang ở đây

Ô tô và nông sản: Sự đánh đổi giúp Mỹ - Nhật đạt được hiệp định thương mại song phương

03/09/2019 10:48:21

Đây là một thỏa thuận rất lớn mà hai bên vừa thống nhất với các nội dung cốt lõi liên quan đến nông nghiệp và thương mại điện tử cùng nhiều nội dung khác. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đã thống nhất dự kiến ​​sẽ ký kết hiệp định bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào tháng tới tại New York. Các nhà đàm phán kỹ thuật cần đẩy nhanh hoàn tất các khía cạnh còn lại của hiệp định thương mại để chuẩn bị kịp thời cho một hiệp định cuối cùng.

o to va nong san su danh doi giup my nhat dat duoc hiep dinh thuong mai song phuong
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật tuyên bố đạt được hiệp định thương mại song phương về nguyên tắc tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ngày 25/8/2019 ở Pháp

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, thỏa thuận sơ bộ giải quyết được ba điểm lớn, đó là thuế quan công nghiệp, nông nghiệp và thương mại kỹ thuật số. Hiệp định không loại bỏ mức thuế 2,5% đối với xe ô tô hoặc phụ tùng ô tô Nhật Bản, dù Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump dỡ bỏ thuế quan trong các cuộc đàm phán trước đây. Có một loạt các mức thuế công nghiệp đang được cắt giảm dù thuế quan ô tô không nằm trong nhóm đó. Tuy nhiên, hiệp định song phương này nếu được hoàn tất, dự kiến ​​sẽ loại bỏ khả năng Tổng thống Trump áp thuế 25% đối với hàng xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản sang Mỹ, như đã từng đe dọa sẽ làm trong quá khứ.

Phòng Thương mại Mỹ hoan nghênh tin tức này nhưng thúc giục chính quyền Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận toàn diện hơn với Nhật Bản, cũng bao gồm các vấn đề như thương mại dịch vụ, rào cản pháp lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Mỹ đã đồng ý một thỏa thuận thương mại toàn diện với Nhật Bản như là một phần của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây mà chính quyền Trump đã rút khỏi hiệp định khiến các nhà xuất khẩu của Mỹ mất doanh số bán hàng tại Nhật Bản cho các quốc gia CPTPP và EU. Các công ty của Mỹ và các nhà xuất khẩu nông nghiệp đang ở thế bất lợi rõ ràng so với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu trong trường hợp không có thỏa thuận thương mại toàn diện với Nhật Bản.

Nhật Bản cũng dự kiến ​​sẽ mua một lượng lớn thặng dư ngô của Mỹ, một phần của thỏa thuận mà USTR mô tả là rất quan trọng đối với nông dân và chủ trang trại Mỹ. Thủ tướng Abe cho biết, nông dân Nhật Bản đã phải vật lộn với nạn sâu bệnh trên một số sản phẩm nông nghiệp và chính phủ tin rằng cần phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho khu vực tư nhân Nhật Bản để mua ngô Mỹ sớm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản không công khai cam kết rằng nước này sẽ mua ngô "trị giá hàng trăm triệu đôla" của Mỹ.

Hiệp định thương mại song phương đã đạt được sau một loạt các cuộc đàm phán chuyên sâu, nhưng đã kết thúc trong một kịch bản win-win đối với cả Mỹ và Nhật Bản. Hai bên đạt được sự đồng thuận thành công liên quan đến các yếu tố cốt lõi của thương mại nông nghiệp và công nghiệp. Dù vẫn còn một số việc cần phải hoàn thành nhưng hai bên muốn đảm bảo rằng các đội đàm phán sẽ đẩy nhanh công việc còn lại để đạt được mục tiêu ký kết hiệp định này bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào tháng 9.

USTR cho biết, thỏa thuận dự kiến ​​cũng sẽ yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, bao gồm thịt bò, thịt lợn, lúa mì, các sản phẩm từ sữa, rượu vang và ethanol. Các điều khoản thương mại kỹ thuật số là thiết lập một "tiêu chuẩn vàng" quốc tế mới. Hai nước đã dành nhiều tháng để đàm phán và các quan chức Nhà Trắng cho biết trước hội nghị G-7 rằng, Tổng thống Trump đã hy vọng đạt được thỏa thuận với Nhật Bản để nhấn mạnh tuyên bố tiến bộ về thương mại. Tuy nhiên, chính quyền Obama trước đây đã đạt được thỏa thuận toàn diện hơn với Nhật Bản như một phần của TPP, mà không đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt đối với hàng xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ.

Tin liên quan