Bạn đang ở đây

Ngành Công Thương Đà Nẵng: Thúc đẩy các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

16/04/2021 08:01:38

Ngành Công Thương Đà Nẵng đóng vai trò chính thực hiện các mục tiêu về xây dựng khu công nghiệp sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc thúc đẩy các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hỗ trợ thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định; 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Ngành Công Thương Đà Nẵng: Thúc đẩy các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Giai đoạn 2021 - 2030, TP. Đà Nẵng dự kiến huy động 675 tỷ đồng để thực hiện các đề án, dự án giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, thương mại; hỗ trợ sản xuất sạch hơn....

Đến năm 2025, sẽ hoàn thành mô hình khu công nghiệp sinh thái; 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; giảm từ 1- 2% phác thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo; 85% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt chuẩn đạt hơn 95%;….

Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ có 2 - 3 khu công nghiệp sinh thái, ít nhất 5 khu đô thị sinh thái; 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện; tỷ lệ giảm phát thải nhà kính đạt 5 - 7%; 95% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn; 97% chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt chuẩn, các điểm nóng môi trường được cải tạo, không có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% hộ dân sẽ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường được giải quyết.

Ngành Công Thương Đà Nẵng đóng vai trò chính trong thực hiện các mục tiêu, đề án, dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, thương mại; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra, trong giai đoạn 2021-2030, Sở Công Thương Đà Nẵng thực hiện thường xuyên việc tổ chức nghiên cứu, phát triển các chương trình, dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo của thành phố; hỗ trợ các mô hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xây dựng Mô hình quản lý theo ISO 50001:2018; triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, thay thế các trang thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhân rộng kết quả; lập kế hoạch thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề vào các cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu (làng nghề bánh tráng Túy Loan, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, làng chiếu Cẩm Nê…). Tổng kinh phí cho các hoạt động này ước khoảng 675 tỷ đồng; trong đó, ngân sách hỗ trợ 25 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 650 tỷ đồng.

Ngành Công Thương Đà Nẵng: Thúc đẩy các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất

Trong giai đoạn 2016-2020, góp phần thực hiện mục tiêu “Đà Nẵng - thành phố môi trường”, ngành Công Thương Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả các dự án khuyến công với nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.

Trong đó, TP. Đà Nẵng đã được thụ hưởng 5,25 tỷ đồng từ chương trình khuyến công quốc gia để triển khai 17 đề án khuyến công. Trong đó, chủ yếu là hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí khuyến công là 1,85 tỷ đồng, huy động vốn từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là hơn 32,78 tỷ đồng; triển khai 9 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí khuyến công quốc gia là 2,5 tỷ đồng, vốn góp của doanh nghiệp là gần 10 tỷ đồng; xây dựng thành công mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 01 đơn vị với kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng, đầu tư đối ứng của doanh nghiệp là hơn 1,3 tỷ đồng.

Ngoài nguồn khuyến công quốc gia, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã dành 5,78 tỷ đồng thực hiện 72 đề án khuyến công địa phương để triển khai nhiều đề án tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn cho nhiều đơn vị, giúp doanh nghiệp cải tiến hiệu quả, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong quá trình sản xuất.

Các hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương không chỉ giúp doanh nghiệp Đà Nẵng mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp để phát triển công nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính do sản xuất công nghiệp, thực hiện mục tiêu "Đà Nẵng - thành phố môi trường".

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan