Bạn đang ở đây

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cắt giảm mạnh lãi suất trong tâm dịch Covid-19

30/03/2020 07:58:39

Để thúc đẩy đưa tiền mặt vào lưu thông, hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, ngày 27/3, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp SARS-CoV-2.

ngan hang du tru an do cat giam manh lai suat va ho tro thanh khoan cho cac ngan hang
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp khẩn của Ủy ban Chính sách tiền tệ, ông Shaktikanta Das -  Chủ tịch Ủy ban đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho hay, RBI đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn 75 điểm cơ bản, từ 5,15% xuống 4,4%, và cắt giảm lãi suất huy động 90 điểm cơ bản xuống còn 4%. Đồng thời RBI còn đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như bơm thêm 3.740 tỷ Rupi (khoảng 52 tỷ USD) cho các ngân hàng bổ sung thanh khoản và cho phép hầu hết tất cả những người vay được trì hoãn trả nợ trong ba tháng,

Ông Das khẳng định các biện pháp này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để giảm thiểu tác động từ dịch SARS-CoV-2, việc cắt giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn sẽ giúp giảm chi phí vay cho các khoản vay mua nhà, ô tô, cá nhân và các khoản vay kinh doanh, đầu tư khác.

Quyết định nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh. Thủ tướng Modi cũng đã hoan nghênh quyết định này, ông cho biết “RBI đã có một bước đi lớn - quan trọng giúp bảo vệ nền kinh tế Ấn Độ, biện pháp thúc đẩy thanh khoản, giảm chi phí lãi vay, sẽ giúp tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp”.

Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, bà Kristalina Georgieva Tổng Giám đốc IMF cho biết "Thế giới đang đối mặt với sự tàn phá ghê gớm do đại dịch coronavirus và rõ ràng đã bước vào một cuộc suy thoái", đợt suy thoái này sẽ tồi tệ hơn năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.

Bà Kristalina kêu gọi các nước phải nhanh chóng hành động, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ, đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế. Theo ước tính của IMF, các thị trường mới nổi cần ít nhất 2.500 tỷ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng này và nguồn lực nội tại của họ cũng như năng lực vay của thị trường sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu...

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan