Bạn đang ở đây

Lạng Sơn: Xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và OCOP

09/07/2021 08:12:16

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn vừa xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021.

Theo đó, thời gian dự kiến diễn ra hội nghị là ngày 19/7/2021, với hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Địa điểm tổ chức các điểm cầu gồm: Điểm cầu tại tỉnh Lạng Sơn: Hội trường UBND huyện Chi Lăng; điểm cầu tại Hà Nội: Tại Trung tâm trưng bày giới thiệu phân phối nông sản thực phẩm an toàn (số 489, Hoàng Quốc Việt).

Lạng Sơn: Xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và OCOP
Na đang là cây chủ lực làm nên thương hiệu, uy tín, niềm tự hào của tỉnh Lạng Sơn

Bên cạnh đó, còn có điểm cầu tại các tỉnh, thành: Tại phòng họp trực tuyến của VNPT tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An; điểm cầu tại các kênh thương mại điện tử như Sendo (FPT), Voso 2 (Viettel Post), Tiki-BigC/GO, Postmart (VnPost).

Mục đích tổ chức hội nghị nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt quả Na Chi Lăng niên vụ 2021, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nông sản của người dân Thủ đô và các vùng lân cận.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Cung cấp thông tin về sản lượng, các biện pháp sản xuất an toàn mùa vụ. Kết nối người sản xuất, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành.

Để tổ chức thành công chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp hỗ trợ địa phương, phối hợp tổ chức một điểm cầu hội nghị trực tuyến giúp địa phương kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng, kinh doanh trái cây, nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố có kết nối ở trên hỗ trợ tỉnh tổ chức điểm cầu hội nghị trực tuyến tại địa phương; thông tin kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nông sản của địa phương với doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng, hồng giòn không hạt và các sản phẩm OCOP năm 2021.

Sở Công Thương tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hoạt động quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương, trong công tác tổ chức hội nghị trực tuyến. Sở Thông tin và truyền thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo đảm bảo hạ tầng kết nối, đường truyền Internet ổn định, chất lượng băng thông để kết nối hội nghị trực tuyến; phối hợp mời các doanh nghiệp kinh doanh qua trang thương mại điện tử tham gia hội nghị.

Ngoài ra, đề nghị UBND huyện Chi Lăng, Hữu Lũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tổ chức các hoat động ̣quảng bá kết nối tiêu thu ̣sản phẩm địa phương và trong công tác tổ chức hội nghị. Viễn thông tỉnh Lạng Sơn (VNPT) phối hợp chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và thực hiện kết nối điểm cầu tại Lạng Sơn được thông suốt với các VNPT tại các tỉnh.

Lạng Sơn là địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai với sự đa dạng các sản phẩm đặc sản. Tỉnh đã xây dựng được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa mang lại giá trị thu nhập cho người dân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm như: Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn diện tích trên 34.000 ha, sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm; sản phẩm na Chi Lăng khoảng 3.200 ha tập trung ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng hằng năm trên 35.000 tấn; vùng sản xuất rau đặc sản các loại.

Tỉnh cũng xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan