Bạn đang ở đây

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh

19/03/2021 13:33:35

15 ngày đầu tháng này kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 13,3 tỷ USD. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng, đã có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Kết quả này đã giúp duy trì đà tăng ấn tượng cho xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay.

Theo Tổng cục Hải quan, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu đã vươn lên dẫn đầu trong nửa đầu tháng này, vượt qua điện thoại và linh kiện. 2 nhóm hàng còn lại là máy móc, thiết bị; dệt may. Đây là 4 nhóm hàng cán đích 1 tỷ USD tính đến nửa đầu tháng 3.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh
Dệt may là 1 trong những mặt hàng tỷ USD trong những tháng đầu năm

Như vậy, từ đầu năm đến 15/3 kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 62 tỷ USD, tăng tới hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ 2020 tương đương tốc độ tăng trưởng gần 22,7%.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nửa đầu tháng này đạt hơn 13 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm đạt gần 60,2 tỷ USD.

Với kết quả trên, nước ta vẫn duy trì được thặng dư thương mại lớn với con số xuất siêu gần 2 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục có những tín hiệu vui. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2021 là khoảng 4 - 5%. Đây là kết quả đã được tính toán dựa trên tình hình thực tế biến động kinh tế thế giới cũng như khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong kết quả xuất nhập khẩu đầu năm có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Các mặt hàng như dệt may, da giày trong năm 2020 bị tác động rất lớn dẫn tới sụt giảm sâu tới 10%, nhưng trong thời gian qua, cả hai ngành này cũng đã có bước tăng trưởng khá.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới. Chiến lược này vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay về những yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế, những yếu tố về địa lý, yếu tố về tự nhiên cũng như là yếu tố về sản xuất, tác động của khoa học công nghệ.

Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của Hiệp định tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan