Bạn đang ở đây

Khuyến công Lâm Đồng: Ưu tiên đề án điểm

19/05/2021 10:54:43

Trong nhiều năm qua, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật là những nội dung trọng tâm triển khai và đạt hiệu quả cao của khuyến công Lâm Đồng.

Số liệu từ Sở Công Thương Lâm Đồng cho thấy, 7 năm qua (2014-2020), khuyến công Lâm Đồng đã hỗ trợ 51 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ 24 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật.

Qua theo dõi, các đề án đều đang phát huy tốt hiệu quả. Đặc biệt, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến rau, củ, quả xuất khẩu triển khai tại Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất nông sản Trình Nhi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua 2 năm đi vào hoạt động, số lao động của doanh nghiệp từ 100 người tăng lên 150 người.

Khuyến công Lâm Đồng: Ưu tiên đề án điểm

Khuyến công Lâm Đồng đã hỗ trợ 24 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật

Theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, nội dung “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật” có sự trùng lặp với lĩnh vực khoa học và công nghệ, gây khó khăn trong quá trình tìm kiếm đối tượng thụ hưởng. Để thuận lợi trong quá trình triển khai, Sở Công Thương Lâm Đồng đề xuất cụ thể hóa đối tượng thụ hưởng. Theo đó, thay đổi thành nội dung “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” và “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp”.

Tương tự, nội dung “Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”, Lâm Đồng chỉ hỗ trợ xây dựng đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nội dung này cũng trùng lặp với nội dung hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu nhóm sản phẩm của lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sở Công Thương Lâm Đồng đề xuất, chuyển nội dung hỗ trợ về lĩnh vực khoa học và công nghệ để quy về một đầu mối triển khai.

Sở Công Thương Lâm Đồng cũng đề xuất, chuyển phần kinh phí thực hiện nội dung đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề phát triển nghề về ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Nguyên do, đề án sau khi được phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) vẫn phải hợp đồng với đơn vị có chức năng đào tạo cụ thể như Trung tâm dạy nghề của Sở Lao động Thương binh và Xã hội để thực hiện.

Ngoài ra, các địa phương thực hiện đề án thuộc nội dung “Hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường” không thuận lợi trong thanh toán. Lý do, thanh toán đầu tư các hạng mục được hỗ trợ là hàng năm được giao kinh phí nhưng kinh phí được giao trễ, do thực hiện các thủ tục, trình tự đấu thầu theo quy định của nhà nước mất nhiều thời gian. Do đó đối với nội dung này, Sở Công Thương đề xuất mở rộng cơ chế riêng về thời gian thanh quyết toán đề án để đảm bảo chất lượng công trình.

Đối với đề án điểm, theo quy định phải từ 2 nội dung trở lên. Đề nghị bổ sung chi tiết nội dung thực hiện, xây dựng đề án chỉ cần chi tiết nội dung, số kinh phí, đơn vị thụ hưởng, ngành nghề cần ưu tiên, ngành nghề chủ lực của địa phương và bỏ địa điểm đầu tư, đơn vị thụ hưởng, chủng loại máy móc, thiết bị. Bởi, sau khi có quyết định phê duyệt, trung tâm phải xây dựng kế hoạch chi tiết địa điểm thực hiện; đơn vị thụ hưởng; chủng loại máy móc, thiết bị trình Sở Công Thương thẩm định theo quy định.

Từ năm 2014-2020, khuyến công Lâm Đồng triển khai thực hiện 399 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 70,257 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương chiếm 77%, kinh phí khuyến công quốc gia chiếm 23% tổng kinh phí.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan