Bạn đang ở đây

Hà Nội: Tiên phong kết nối cung - cầu

09/01/2019 09:56:38

Khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ

Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước với 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn của 12 quận nội thành, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm... có khả năng tập trung, phát luồng hàng hóa tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.

ha noi tien phong ket noi cung cau
Đa dạng hoạt động kết nối cung - cầu

Về tiềm năng, hiện nay, Hà Nội được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới, lọt vào Top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hà Nội luôn được đánh giá là thành phố năng động, có điều kiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, nhân lực, tài chính… để phát triển mạnh mẽ thương mại hiện đại, đáp ứng xu thế thương mại điện tử trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, với tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội", trong những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, Thủ đô đã hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp… Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó, giúp DN chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, khắc phục tình trạng "được mùa, mất giá".

Tham gia Hội chợ "Đặc sản Vùng miền Việt Nam" diễn ra cuối tháng 11/2018, bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Công ty Đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam - cho biết: Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc, thông qua hội chợ, doanh nghiệp (DN) đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội. Cùng với đó, thiết lập được mạng lưới khách hàng tiêu dùng thường xuyên sản phẩm của các nhóm sản xuất. Hội chợ là cầu nối tạo điều kiện cho DN và bà con tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Sumair Mustansar Tarar - Tham tán thương mại Pakistan tại Việt Nam, 3 DN Pakistan đã tham gia Hội chợ Đặc sản vùng miền năm vừa qua và đạt được những kết quả rất tốt. DN không chỉ có những bạn hàng mới mà còn giới thiệu được các đặc sản, văn hóa của Pakistan đến với Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao TP. Hà Nội - một trong những địa phương tích cực, là đầu tàu trong công tác kết nối cung - cầu và bình ổn thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong công tác kêu gọi, thúc đẩy DN tham gia, hưởng ứng các chương trình của Bộ Công Thương tổ chức như: "Tuần hàng Việt Nam" tại các siêu thị lớn ở nước ngoài như Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc), Coop Italia (Ý), Casino (Pháp).... Có thể nói, Hà Nội không chỉ là trung tâm tiêu thụ mà còn là nơi thu hút các hoạt động giao thương, kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, kết nối DN với thị trường, đưa sản phẩm của Việt Nam đến mọi miền tổ quốc và đến các thị trường nước ngoài.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất

ha noi tien phong ket noi cung cau
Tuần lễ cá sông Đà ở Hà Nội năm 2018 thu hút người tiêu dùng

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kết nối cung - cầu thời gian qua còn một số tồn tại từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Cung - cầu tại một số kênh phân phối, các chợ truyền thống chưa hấp dẫn DN sản xuất hàng hóa chất lượng cao; một số DN gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại bền vững, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, các hộ nông dân… do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Các DN phân phối chưa chủ động tiếp cận với nguồn hàng ổn định và có chất lượng…

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế khi thương mại tại thị trường trong nước tạo ra giá trị khoảng14-15% GDP và thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động, chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Điều đó chứng tỏ tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, sức mạnh của các DN cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nước ta.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc tăng cường hoạt động của DN trong nước, tổ chức tiêu thụ mạnh hàng hóa Việt trên thị trường nội địa cũng chính là để bảo vệ "biên giới mềm" của đất nước. Nhưng việc tăng cường năng lực của DN và hàng hóa trên thị trường nội địa không chỉ dựa vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa được sản xuất ra mà còn phải thông qua hoạt động tổ chức thị trường, thiết lập hệ thống phân phối của DN trong nước. Nếu tổ chức tốt, các DN sẽ có sức mạnh liên kết, vượt qua những khó khăn, có thị trường phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong công tác kết nối cung - cầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho DN, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Để hoạt động liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng đề nghị, các tỉnh, thành phố sản xuất, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, sản xuất hữu cơ… Chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng tiêu chí đề ra.

Giai đoạn 2016 - 2018, TP. Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 2 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ. Đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan