Bạn đang ở đây

Đơn hàng khởi sắc trở lại, doanh nghiệp da giày chưa hết lo

04/11/2020 09:00:51

Dù đơn hàng đã có những tín hiệu phục hồi nhưng gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu da giày lại đang phải đối mặt với nỗi lo về nguồn nhân lực và tài chính. Chưa hết, tại một số nước ở khu vực Liên minh châu Âu mới đây đã thông báo tiếp tục phong tỏa biên giới để ngăn dịch Covid gia tăng cũng làm dấy lên lo ngại về viễn cảnh đơn hàng đã sản xuất có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

Từ giữa tháng 9, gần như tất cả các doanh nghiệp trong ngành da giày bắt đầu nhận những đơn hàng mới từ đối tác châu Âu. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp trong ngành này, tình hình đơn hàng đã phục hồi khoảng 60%. Nhưng từ đây lại nảy sinh thêm những vấn đề mà các doanh nghiệp ngành da giày cần phải nhanh chóng giải quyết.

Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại nhưng phải đối mặt với nỗi lo thanh toán và nhân lực thiếu

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, từ lúc giao hàng đến khi nguồn tiền trở về chỉ mất 60 ngày. Tuy nhiên kể từ khi dịch bệnh hoành hành, việc thanh toán kéo dài hơn, gây khó khăn cho công ty trong vấn đề xoay vòng vốn.

“Hiện tại, thời gian thanh toán kéo dài lên 180 ngày, do đối tác cũng bị ảnh hưởng về tài chính bởi tác động từ dịch bệnh. Trong tình cảnh đó, một là doanh nghiệp từ chối không nhận đơn hàng, hai là phải chấp nhận hình thức thanh toán này. Tất nhiên đơn hàng là điều cần phải có, nên công ty tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác phải chấp nhận mệnh đề sau”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, việc khách hàng chậm thanh toán gây rất nhiều khó khăn trong vấn đề xoay vòng vốn. Dịch bệnh từ đầu năm đã khiến năng lực tài chính của công ty bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ không hề dễ dàng.

Ngoài vấn đề trên, việc tuyển dụng lao động trong thời điểm hiện tại cũng gây nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Công ty giày Nguyên Nguyên Phước - chia sẻ, tâm lý người lao động là chưa biết đơn hàng sẽ có trong bao lâu, nên việc họ quyết định quay trở lại làm việc là rất ít vì không có tính ổn định. Trong khi đó nếu tuyển người mới thì phải trải qua quá trình đào tạo một thời gian, nhưng trong thời điểm hiện tại các doanh nghiệp khách cần lao động đã có tay nghề để hoàn thành các đơn hàng trong thời gian sớm nhất. Đây là cái khó với doanh nghiệp lúc này.

“Khi dịch bệnh bùng phát, công ty buộc lòng phải cho một số người lao động ngưng việc. Một số lao động chuyển sang làm các công việc dịch vụ, giao hàng cho các hãng xe công nghệ. Công việc này giúp người lao động chủ động được thời gian, thu nhập tương đương so với làm việc trong các nhà xưởng nên lúc này tìm lao động có tay nghề rất khó”, một doanh nghiệp sản xuất giày dép tại TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Khi những vấn đề này còn chưa được giải quyết thì thông tin hàng loạt quốc gia châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp ngành da giày lo lắng.

Cụ thể, ngày 29/10 vừa qua, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua quyết định gia hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp. Vào giữa tháng 3/2020, nước này không cho phép người dân đi dạo hoặc tập thể dục, nhằm tránh tình trạng dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, Pháp cấm người dân tự ý rời khỏi nhà từ ngày 30/10. Các quán bar, nhà hàng cũng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất tháng 12 và việc đi lại giữa các khu vực sẽ bị hạn chế. Còn tại Vương quốc Anh, ngày 31/10, vừa qua đã thông báo tái phong tỏa toàn quốc. Mọi nhà hàng và quán bar không được đón khách, chỉ được bán đồ mang đi. Những hoạt động mua bán không thiết yếu cũng phải ngừng lại. Bồ Đào Nha, Áo, Đức và một số nước khác cũng đã và đang áp đặt lệnh phong tỏa.

Theo các doanh nghiệp da giày, khi áp lệnh phong tỏa, chắc chắn là nhu cầu tiêu thụ của người dân châu Âu sẽ bị chững lại. Nhiều doanh nghiệp ngành này còn đang lo lắng đến viễn cảnh đơn hàng bị hủy hoặc hoãn như đầu năm sẽ lại diễn ra và đang tiếp tục ngóng tin từ đối tác để có những hoạt động thích ứng.

Nguồn: Báo Công thương

Tin liên quan