Bạn đang ở đây

Đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới xuất khẩu hồ tiêu bền vững

03/09/2019 09:11:20

Cung vượt cầu

Theo báo cáo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2012 - 2017, XK hồ tiêu đã đạt kết quả quan trọng với lượng XK tăng bình quân 20%/năm, là một trong những mặt hàng XK chủ lực trong nhóm hàng nông lâm thủy sản. Thị phần XK mặt hàng hồ tiêu Việt Nam đã tăng từ 47% lên đến 60% thị trường thế giới.

doi moi mo hinh tang truong huong toi xuat khau ho tieu ben vung
Ngành Hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng

Tuy nhiên, nhưng năm gần đây, XK hồ tiêu đối diện với tình trạng sụt giảm mạnh về giá trị. Cụ thể, năm 2018, XK hồ tiêu của Việt Nam đạt 232,7 nghìn tấn, trị giá 758,8 triệu USD, tăng 8,3% về lượng nhưng kim ngạch giảm 32,1% so với năm 2017. Giá xuất bình quân giảm 37,32% chỉ đạt 3.260,24 USD/tấn. Nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã XK 176,8 nghìn tấn, trị giá 452,12 triệu USD, tăng 34,1% về lượng và trị giá giảm nhẹ 0,11% so với cùng kỳ 2018.

Giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hồ tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hồ tiêu một số quốc gia khác. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng. Chi phí sản xuất hồ tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hồ tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đánh giá: Do nguồn cung vượt cầu khiến giá hồ tiêu tụt dốc, trước đây giá hồ tiêu trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 45.000 - 46.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.

Về năng suất, 5 năm trước đây, hồ tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng, trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) – cho hay, sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối,... Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Cạnh tranh bằng sản phẩm sạch

Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế dự báo đến 2050, sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa. Để phát triển bền vững, hồ tiêu Việt cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu.

Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị, cần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng XK đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như: tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu… Tăng cường cạnh tranh bằng sản phẩm sạch là vấn đề được đặt ra. Theo đó, ngành tiêu Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo sản phẩm sạch mới đủ sức cạnh tranh với tiêu Brazil và Ấn Độ.

Xu thế hội nhập kinh tế thế giới “sâu và rộng” của nước ta trong thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho nền nông nghiệp nói chung và ngành Hồ tiêu nói riêng. Tuy vậy, thách thức đối với ngành Hồ tiêu cũng rất lớn, đặc biệt các hàng rào kỹ thuật do các nước dựng lên. Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – nhấn mạnh, ngành Hồ tiêu cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; ổn định diện tích vào năm 2025 là 110.000 ha, đảm bảo cung cấp đủ Hồ tiêu nguyên liệu cho chế biến XK. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Năm 2018, Việt Nam tiếp tục là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu khi chiếm trên 40% về sản lượng và trên 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu.

Tin liên quan