Bạn đang ở đây

Đắk Lắk: Hiệu quả từ những mô hình khuyến công ở khu vực miền núi

01/11/2019 09:08:53

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk, để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các huyện nghèo như Lắk, Ea Súp... một trong những giải pháp được chính quyền quan tâm triển khai thực hiện đó là tranh thủ tối đa các nguồn lực để làm đòn bẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh. Tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ...

Nhận thức rõ những hệ lụy từ việc sản xuất gạch nung và việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ gạch nung sang gạch không nung là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Ngọc Chương, tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp đã xây dựng đề án “ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung” và nhận được sự hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương để mua máy móc triển khai đề án.

dak lak hieu qua tu nhung mo hinh khuyen cong o khu vuc mien nui
Những mô hình khuyến công tại các huyện miền núi tỉnh Đắk Lắk mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Sau 1 năm thực hiện, việc ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung cho Doanh nghiệp bước đầu giải quyết vật liệu xây dựng không nung cho các công trình xây dựng tại địa phương theo Chỉ thị số 10, ngày 16/4/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét, sau đó tính toán hiệu quả kinh tế nhân rộng ra địa phương khác.

Đề án này là một trong những đề án được đánh giá cao về ứng dụng đời sống, góp phần không nhỏ trong phát triển ngành công nghiệp xây dựng tại huyện Ea Súp. Với công suất 7.000 viên gạch mỗi ngày, hoạt động của doanh nghiệp đang dần đi vào ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, sự thành công của Đề án “ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung” sẽ giúp tháo gỡ được vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất gạch nung tại Ea Súp nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung trong việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn gạch nung theo Chỉ thị số 09 ngày 17/4/2018 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ đó định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất gạch không nung, đầu tư và nhân rộng công nghệ sản xuất gạch không nung thời gian tới.

dak lak hieu qua tu nhung mo hinh khuyen cong o khu vuc mien nui
Ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung sẽ giúp tháo gỡ được vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất gạch nung tại huyện miền núi tỉnh Đắk Lắk

Cách Buôn Ma Thuột gần 90 Km, hộ kinh doanh cơ sở sản xuất nước đá viên - nước uống đóng bình LAKODA tại xã Krông Nô, huyện Lắk đã mạnh dạn đầu tư một hệ thống lọc nước tinh khiết RO và dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai để phục vụ nhu cầu cho người dân nơi đây.

Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai” của hộ kinh doanh đã nhận được sự đầu tư từ nguồn vốn khuyến công địa phương với số tiền 70 triệu đồng trên tổng vốn đầu tư là 210 triệu đồng.

Đề án đã giúp hộ kinh doanh sản xuất ra sản phẩm nước uống tinh khiết có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương và các vùng lân cận. Mặt khác, đề án cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, nâng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Theo ông Minh, trong giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk, đã hỗ trợ được 39 đề án ứng dụng máy móc thiết bị và kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thực hiện trên địa bàn các huyện, thị xã, với 39 đơn vị được thụ hưởng.

Trong đó, có 15% là các đề án hỗ trợ cho 3 huyện khó khăn của tỉnh. Qua thời gian ngắn triển khai chương trình, song ghi nhận từ những đơn vị được thụ hưởng từ các đề án đều khẳng định, những hỗ trợ bước đầu chính là nền tảng giúp doanh nghiệp, cơ sở hướng đến những giá trị bền vững; đồng thời, góp phần tạo nên thương hiệu của địa phương, làm đổi thay tư duy, phương thức sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế cho các đơn vị. Nhiều đơn vị được thụ hưởng từ những đề án hỗ trợ đã và đang phát huy lợi thế, đạt kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài việc hỗ trợ máy móc, thiết bị kỹ thuật tiên tiến cho các đơn vị, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk còn triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, như: Xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn; tổ chức tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực; tổ chức lớp tập huấn tại các huyện để áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tổ chức đi khảo sát, học tập kinh nghiệm công tác Khuyến công và quản lý công nghiệp ở các tỉnh bạn; tham gia tư vấn các dự án phát triển công nghiệp...

Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk:
Với hướng đi đúng và trúng trong việc thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân ở các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Nguồn: báo Công thương

Tin liên quan